Kính thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí
Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi được tham dự Hội nghị quan trọng, nhiều ý nghĩa và nhân văn này. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, các Già làng tiêu biểu lời thăm hỏi thân thiết, tình cảm quý trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các vị đại biểu
Kính thưa các Già làng
Một lần nữa chúng tôi muốn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Già làng trong đời sống của các buôn, làng ở Tây Nguyên. Đó là những kho báu quý giá về văn hóa, về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống; là nhân tố không thể thiếu, đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận của mỗi buôn làng, mỗi dân tộc. Đội ngũ Già làng đã đóng góp xứng đáng công sức của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua báo cáo trung tâm của Hội nghị, tôi bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với kết quả thực hiện 05 lời hứa trong Quyết tâm thư năm 2009 và định hướng trong thời gian tới. Với góc độ của cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, chúng tôi xin báo cáo thêm một số nội dung sau đây:
Một là, Già làng là một định danh gắn liền với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng Tây Nguyên, tiếng nói của Già làng được người dân coi trọng; tiêu chuẩn, điều kiện để được suy tôn làm Già làng rất khắt khe, trong con mắt của người dân, Già làng là người có nhiều cống hiến cho đất nước, cho buôn làng, là người có cuộc sống mẫu mực, được bà con kính trọng, tin cậy, trao gửi tấm lòng.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; một số quy ước trong Luật tục trước đây không còn phù hợp nữa, nhiều nơi đã xây dựng hương ước, quy ước tiến bộ nhưng tiếng nói của Già làng vẫn còn nguyên giá trị, thấm đượm tình người, tỏa bóng mát như cây sồi, trong như nước suối giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Vì vậy, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội nghị hôm nay, Ủy ban Dân tộc sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền, xem xét quyết định gắn kết vị trí của Già làng với Người có uy tín trong cộng đồng để cùng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành pháp luật; không nghe theo lời kẻ xấu, đồng lòng chung sức xây dựng buôn làng phát triển về kinh tế, đặc sắc về văn hóa, mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tạo hóa sinh ra, ai cũng có một thời tuổi trẻ, rồi cũng sẽ đến tuổi già. Chúng ta trân trọng các bác cao niên là trân trọng chính mình; chúng ta ứng xử với các bác thế nào thì con cháu sẽ ứng xử với chúng ta như vậy. Truyền thống văn hóa Việt Nam là “người già của làng tiếp người sang của nước”, “kính già, già để tuổi cho”. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ cùng nhau gìn giữ để truyền thống tốt đẹp ấy trường tồn mãi cùng với dân tộc.
Hai là, trong những năm qua Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số (DTTS); đời sống của đồng bào được cải thiện rõ rệt; con em đến tuổi được đến trường đi học, người dân ốm đau được Nhà nước hỗ trợ khám chữa bệnh; thiên tai bão lũ, hoạn nạn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, lương thực để đảm bảo cuộc sống. Tuy vậy, hiện nay đồng bào DTTS vẫn là nơi được thụ hưởng thành quả đổi mới ít hơn; dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu. “Đói nghèo, thiếu sinh kế, thiên tai, dịch bệnh” vẫn đang là thách thức lớn.
Thấu hiểu nỗi lòng của đồng bào các DTTS nhất là vùng sâu, vùng xa. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018: “Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 03 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng DTTS và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021”.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án để Chính phủ trình Quốc hội; đồng bào các DTTS đang kỳ vọng lớn vào quyết định có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội.
(Nhân dịp này, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã cho ý kiến, định hướng, để Quốc hội quyết định cho xây dựng Đề án đặc biệt quan trọng nêu trên).
Ba là, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 8/7/2009 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Năm 2019 sẽ tổ chức Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ 3, tiến tới Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 2 năm 2020. Chúng tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền với sự tham mưu của cơ quan công tác dân tộc các cấp chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức thành công đại hội ở các cấp. Trong đó chú ý chọn cử các Già làng tiêu biểu là đại biểu chính thức của Đại hội; biểu dương những người có thành tích tiêu biểu, nhất là các hình thức khen cao (danh hiệu anh hùng, huân chương các hạng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...).
Thông qua đại hội, để một lần nữa đồng bào các DTTS khắc cốt, ghi tâm công ơn trời biển đối với Đảng và Nhà nước, với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin, không sợ, không làm theo lời kẻ xấu; đồng lòng, chung sức, vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống ở mỗi buôn làng no đủ, bình an, phát triển.
Kính thưa các vị đại biểu
Kính thưa các Già làng
Nhân dịp Hội nghị rất quan trọng hôm nay, tôi xin phép được bộc bạch đôi điều: Bản thân tôi là người dân tộc Sán Dìu, được Nhà nước nuôi ăn học từ 12 tuổi, dày công đào tạo, bồi dưỡng, kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh, hiện nay được phân công làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tôi nói từ đáy lòng mình không có ai tốt bằng Đảng và Nhà nước mình đâu. Nhờ có Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu thì đồng bào các DTTS chúng ta mới có được suộc sống hôm nay. Đảng và Nhà nước không để người nào bị đói cơm, nhạt muối; ngày xưa có thời hạt muối để ăn thôi, chúng ta cũng không có. Mấy chục năm rồi, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ được học ngày xưa:
Xưa con khóc đòi cơm chấm muốiMẹ tìm đâu ra muối con ơiNín đi, lát nữa cha về chợMua đầy hũ muối dỗ con tôiCánh liếp xác xơ vừa kẹt mởCon tôi không khóc đón cha vềKìa sao im lặng cha không nóiCon hỏi muối đâu cha lắc đầuKhông đủ tiền, người giầu không bánNhìn cha con trẻ mặt rầu rầuMấy giọt lệ rơi trên má nhọCha lặng nhìn con biết nói sao................................................
Tôi cũng mạnh dạn thưa với các Bác, các đồng chí đại biểu rằng: Chúng ta xây dựng một toà nhà lớn, một công trình hiện đại đến đâu cũng xây bằng gạch, xi măng, cốt thép; định được ngày khởi công, định được ngày khánh thành. Nhưng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc phải xây bằng ý chí, bằng tấm lòng, bằng mồ hôi, công sức, thậm chí bằng xương máu của bao thế hệ. Do vậy, chúng ta phải trân trọng, nâng niu hằng ngày, nhắc nhớ nhau, cùng vun đắp thì mới vững bền được.
Đồng bào các dân tộc cùng nhau đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sống vì nhau, chân thành thì không thế lực thù địch nào có thể lay chuyển được khối đại đoàn kết của chúng ta.
Một lần nữa, xin chúc các vị đại biểu mạnh khỏe; chúc các Già làng sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần vững chãi, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Xin trân trọng cảm ơn!
Gia Lai, ngày 19 tháng 3 năm 2019
*Tựa đề do Báo Dân tộc và Phát triển đặt