Đổi thay vùng đồng bào DTTS
Cao Bằng là một trong những tỉnh có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện thì có đến 8 huyện nằm trong danh sách huyện nghèo; có 199 đơn vị hành chính cấp xã thì có 139 xã khu vực III, 49 xã khu vực II; 11 xã thuộc khu vực I của tỉnh cũng chỉ “nhỉnh” hơn các xã khác ở một số tiêu chí.
Do vậy, để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kéo gần khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng thu nhập của đồng bào DTTS sinh sống ở những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh là rất gian nan. Số liệu tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ II-năm 2014 cho thấy, thu nhập bình quân của tỉnh chỉ đạt 12,9 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); xã đạt được nhiều tiêu chí nhất là 15/19 tiêu chí; vẫn có 73 xã mới chỉ đạt từ 1 - 4 tiêu chí…
Xuất phát điểm thấp như vậy càng làm cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng quyết tâm hơn, sáng tạo hơn trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương để phát triển kinh tế -xã hội. Sau 5 năm (2014 -2019), Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giảm nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Theo thống kê, hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 31,06%; dự kiến tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 27,5% vào cuối năm 2019. Hiện thu nhập bình quân chung của tỉnh đã được nâng lên 28,6 triệu đồng/người/năm; trong đó thu nhập bình quân của hộ DTTS đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Trong xây dựng NTM, đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn; có 4 xã đạt 15 - 16 tiêu chí, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Theo dự kiến, cuối năm 2019 tỉnh sẽ có thêm 5 xã về đích NTM.
Cùng với kết quả giảm nghèo và xây dựng NTM, đời sống văn hóa, tinh thần vùng đồng bào DTTS trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tỉnh Cao Bằng thể hiện rõ khi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4/2018. Bởi để có được danh hiệu này thì một trong những yếu tố then chốt là Cao Bằng phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng.
“Cú hích” từ những chính sách
Những kết quả đạt được ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh Cao Bằng trong việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS. Là tỉnh có 94,26% dân số là đồng bào DTTS nên Cao Bằng được thụ hưởng hầu như tất cả các chính sách dân tộc do Đảng và Nhà nước ban hành; mỗi chính sách có vị trí quan trọng riêng tạo nên hệ thống chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào các DTTS.
Sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II-năm 2014, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. Các chương trình, chính sách này đã làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh; đồng thời góp phần quan trọng tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Đặc biệt, có những chương trình, chính sách do cơ quan làm công tác dân tộc các cấp chủ trì thực hiện đã ghi dấu ấn đậm nét trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua (Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ/TTg, Quyết định 102/QĐ/TTg, Quyết định 33/QĐ/TTg,…).
Như Chương trình 135, giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh được bố trí 1.074, 251 tỷ đồng (vốn Chương trình là 997,451 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len là 76,8 tỷ đồng); qua đó tỉnh đã xây dựng được 1.591 lượt công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS...
Lĩnh vực công tác dân tộc được cả hệ thống chính trị quan tâm, các chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả đã tạo nền tảng để Cao Bằng đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II-năm 2014. Trong đó, chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người vượt so với mục tiêu đề ra là 28,6/25 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đạt chỉ tiêu giảm 4%/năm; các chỉ tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng đều đạt...
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc trong 5 năm qua, với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự quan cấp của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng quyết tâm đạt và vượt những chỉ tiêu được đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ III-năm 2019. Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất nỗ lực vươn lên, đồng bào các DTTS tỉnh Cao Bằng sẽ cùng với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng vững chắc, xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh.