Phiêng Pẻn là xóm khó khăn của xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Nùng. Trước đây kinh tế của người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm đến 99%.
Ông Tẩn Dấu Quẩy, Người có uy tín xóm Phiêng Pẻn cho biết, khi được bầu làm Người có uy tín của xóm, ông Tẩn Dấu Quẩy quyết tâm vận động bà con phát triển kinh tế. “Nhận thấy cây hồi đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, ngô, năm 2010, tôi vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi giống cây trồng. Theo đó đã có 10 hộ đầu tiên ở xóm Phiêng Pẻn tham gia trồng cây hồi. Đến nay 99% hộ dân xóm Phiêng Pẻn đã trồng hồi, hộ ít nhất cũng có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm”, ông Quẩy chia sẻ.
Nghe theo Tẩn Dấu Quẩy, người dân trong xóm Phiêng Pẻn đã có cách làm ăn mới, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, xóm chỉ còn 35% hộ nghèo, trên 80% hộ dân có nhà kiên cố, 100% hộ có xe máy, tình hình an ninh trật tự trong xóm luôn đảm bảo, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi.
Cũng như ông Tẩn Dấu Quẩy ở xóm Phiêng Pẻn, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy lùi nhiều hủ tục,… Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Người có uy tín đã phát huy vai trò nêu gương, khuyến khích người dân hiến đất, góp công, góp sức xây dựng NTM.
Tiêu biểu như ông Lường Văn Chúng, sinh năm 1968, dân tộc Tày, Người có uy tín xóm Đâư Cọ, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Thời gian qua, ông đã gương mẫu đi đầu hiến đất làm đường nội thôn, nội đồng, vận động bà con trong xóm đóng góp với số tiền 40 triệu đồng mua vật liệu và 900 ngày công lao động, bê tông 3 tuyến mương thủy lợi dài 3km; góp 40 triệu đồng mua vật liệu, hiến 400m2 đất và 1.500 ngày công lao động làm đường nội đồng, đường bê tông xóm, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, ông còn vận động Nhân dân không nuôi gia súc gần nơi ở. Với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, Nhân dân đầu tư 1,6 tỷ đồng, xóm đã di dời 45 chuồng trâu, bò ra khỏi gầm sàn nhà ở, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hằng năm, 90% số hộ trong xóm đạt Gia đình văn hóa; nhiều năm liên tục xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong tỉnh ngày một vững mạnh. Để động viên, khuyến khích Người có uy tín phát huy vai trò của mình, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách theo quy định.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cũng trăn trở, hiện Cao Bằng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách nên 2 năm qua chưa tổ chức cho Người có uy tín đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Do vậy, Cao Bằng kiến nghị Trung ương cấp bổ sung kinh phí được quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg để tỉnh triển khai kịp thời chính sách cho Người có uy tín.
HOÀI DƯƠNG