Vùng đất giàu tiềm năng
Với thế mạnh địa hình bằng phẳng, đất bazan màu mỡ, xã Ea Tar có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với các cây công nghiệp mũi nhọn, cây đặc sản như cà phê, tiêu, đặc biệt là sầu riêng… Hiện toàn xã hơn 800ha sầu riêng, trong đó 500ha trồng tập trung, còn lại trồng xen canh trong vườn cà phê và được đánh giá, là vựa sầu riêng thứ 2 của tỉnh Đắk Lắk và được UBND huyện Cư M’gar chọn xây dựng Đề án “Phát triển chuyên canh vùng sầu riêng giai đoạn 2020-2030”.
Chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, đến nay gia đình ông Nguyễn Xuân Luyện ở thôn 4, xã Ea Tar đã có vườn sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Luyện chia sẻ: Gia đình ông có 7ha đất nông nghiệp chủ yếu cà phê và cao su. Tuy nhiên, giá cả bếp bênh thu nhập không ổn định nên ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng đa cây.
Khu vực nào phù hợp trồng tiêu tôi trồng tiêu, phần cà phê còn lại vẫn tập trung chăm sóc. Đến nay, vườn của tôi đã có 1.000 cây sầu riêng, hàng trăm cây bơ booth, tiêu và cà phê. Bên cạnh đó, ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây nên năng suất cây trồng cao ổn định. Trừ chi phí mỗi năm, gia đình ông Luyện thu về cả tỷ đồng.
Không riêng ông Luyện, trên địa bàn xã Ea Tar còn mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả cho thu nhập cao, như mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình bà Lý Thị Kim Huê, dân tộc Dao ở buôn Ea Tar, mỗi năm gia đình bà Huê thu lãi khoảng 200 triệu đồng; hay như hộ chị H’Loanh Niê nuôn Drai Sí cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp đa cây, đa con…
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay xã Ea Tar đã xây dựng được mô hình hồ tiêu bền vững, với 80ha gồm 62 hộ gia đình tham gia sản xuất đã có chứng nhận tiêu an toàn; vùng chuyên canh cây ăn quả… Nhờ đó, đời sống Nhân dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội địa phương.
Xã Nông thôn mới từng bước trả nợ tiêu chí
Năm 2011, xã Ea Tar bắt tay xây dựng nông thôn mới với 6/19 tiêu chí, cuối năm 2018, xã Ea Tar cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới. Đến đầu năm 2019, xã Ea Tar vinh dự đón Bằng Công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trở thành xã thứ 9/15 xã trên địa bàn huyện Cư M’gar về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay xã Ea Tar vẫn còn nợ một số tiêu chí nông thôn mới. Trong khi các xã nông thôn mới đang bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thì xã nông thôn mới Ea Tar vẫn đang nỗ lực từng bước trả nợ tiêu chí.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nông thôn mới 9 tháng đầu năm 2022, xã Ea Tar tự đánh giá còn 5 tiêu chí chưa đạt, gồm tiêu chí số 6, về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 8 về nhà ở dân cư, tiêu chí số 12 về lao động, tiêu chí số 15 về y tế và tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Trần Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết: Xã được công nhận về đích Nông thôn mới, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, ghi nhận những nỗ lực của cán bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Đây là nguồn động viên lớn để địa phương tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, Ea Tar cơ bản vẫn là vùng có tỉ lệ đồng bào DTTS cao, có những khó khăn đặc thù, nên khi được công nhận xã nông thôn mới, Ea Tar chuyển thành xã vùng I cũng đặt ra không ít khó khăn. Trên thực tế, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã mới thoát nghèo, ổn định cuộc sống, kinh tế chưa dư nên việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới rất khó. Vì vậy, toàn xã mới chỉ nhựa hóa, cứng hóa được 25/75km đường, hiện vẫn còn những thôn, buôn chưa có một mét đường cứng hóa như buôn Ea Tar; đường nội đồng là đường đất mùa mưa lầy lội, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, phân bón, nông sản…
Hiện nay, chính quyền và Nhân dân xã Ea Tar đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong năm 2022, xã Ea Tar phấn đấu hoàn thiện trả nợ 2 tiêu chí.
Xã Ea Tar có 10 thôn, buôn, với 2.140 hộ dân, 9.550 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 65%. Với tiềm năng lớn sẵn có về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, UBND xã Ea Tar định hướng nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng đa cây, đa con tăng thu nhập trên cùng diện tích, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị cây trồng, cải thiện thu nhập cho người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất sản phẩm chủ yếu đạt 302/450 tỷ đồng đật 67% kế hoạch năm; tổng thu ngân sách đạt 7,6 tỉ đồng/5,9 tỉ động bượt 12% kế hoạch năm; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 4,41%. Toàn xã hiện có 3.000ha cà phê, 800ha sầu riêng, 150ha tiêu và 80ha cây ăn quả các loại.