Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xã bãi ngang đang đi lên

PV - 09:50, 26/02/2018

Nhờ sự trợ lực của Nhà nước, bằng các chương trình, dự án chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế đã tiếp thêm sức cho người dân vùng bãi ngang, vùng ven biển nước ta, nhất là ở khu vực miền Trung có sự đổi thay từng ngày.

Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng về với các xã bãi ngang ven biển ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét về diện mạo. Khác với sự tưởng tượng về vùng đất lam lũ ven biển xơ xác, là những khu nhà, trường học khang trang, những con đường bê tông thẳng tắp chạy đến từng thôn xóm, những tuyến kè chắn sóng, hệ thống kênh mương nội đồng xây dựng kiên cố… mang tới dáng dấp của một vùng quê hiện đại.

Trong 10 năm qua, các xã vùng bãi ngang ven biển hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 350 công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất; nhất là việc đầu tư để người dân thay đổi nhận thức về giáo dục.

Nhờ được hỗ trợ vốn, người dân xã Cát Hải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao. (Trong ảnh người dân Cát Hải đang chăm sóc rau, hành chuẩn bị bán Tết) Nhờ được hỗ trợ vốn, người dân xã Cát Hải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao (Trong ảnh người dân Cát Hải đang chăm sóc rau, hành chuẩn bị bán Tết).

 

Xã bãi ngang Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, là địa phương có nhiều gia đình làm nghề biển, nên không ít gia đình còn quan niệm “có học nhiều đến đâu rồi cũng ra khơi đánh bắt”. Từ suy nghĩ đó mà không ít con em sinh ra và lớn lên trong xã bỏ học theo cha mẹ làm nghề biển.

Tuy nhiên, kể từ khi có chính sách ưu tiên cho các xã vùng bãi ngang về giáo dục, học sinh được học trong những ngôi trường khang trang sạch đẹp, được hỗ trợ học tập… nhận thức của người dân về tầm quan trọng của giáo dục đã được nâng lên. Phổ Vinh đã trở thành địa phương duy nhất của huyện Đức Phổ đạt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2.

Ở xã Phổ An, hầu hết người dân sống nhờ vào biển nên việc “đánh thức” khu vực bãi ngang ven biển, được chính quyền và người dân hưởng ứng bằng cách nâng cấp, đóng mới tàu thuyền vươn khơi làm kinh tế. Ngư dân Nguyễn Văn Hừng, sau nhiều năm gắn bó với chiếc tàu công suất 45CV, đã quyết định đầu tư đóng mới một chiếc tàu khác, công suất 520CV, vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng để vươn khơi xa.

“Nhờ Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, cộng với số tiền tích cóp được tôi đã đóng được tàu công suất lớn, hoạt động ở các ngư trường xa nên đánh bắt được nhiều cá, thu nhập cũng nâng lên đáng kể”, ông Hừng chia sẻ.

Ông Đỗ Tiến Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ đang là cú huých quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các xã bãi ngang ven biển, hải đảo trên địa bàn.

Một góc nông thôn xã bãi ngang Cát Minh hôm nay. Một góc nông thôn xã bãi ngang Cát Minh hôm nay.

 

Bình Định cũng là địa phương có nhiều xã bãi ngang ven biển. Thời gian qua, các xã cũng đã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn các xã bãi ngang ven biển đã thay đổi hoàn toàn.

Thay đổi rõ nét nhất, có lẽ là xã Cát Hải. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường DT 639 chạy xuyên qua xã, việc đi lại đã dễ dàng hơn. Tiếp đến hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế cũng lần lượt được xây dựng. Đặc biệt, Cát Hải đang được biết đến như là một điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Bình, ở thôn Vĩnh Hội, Cát Hải chia sẻ: “Gia đình tôi có được mấy sào đất, trước đây trồng lúa nhưng do thiếu nước nên năng suất thấp, chỉ đủ để ăn. Thực hiện chuyển đổi cây trồng, được hỗ trợ vốn, tôi chuyển sang trồng một vụ lúa lai và hai vụ đậu phụng, đậu đen rất hiệu quả, hằng năm không những có lúa ăn mà còn có thêm thu nhập vài chục triệu đồng”.

Các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như: hành, đậu phụng, đậu đen, mè… được xã chú trọng mở rộng diện tích sản xuất và đầu tư thâm canh. Hiện nay, giá trị của một ha đất canh tác tại xã đã đạt trên 200 triệu đồng.

Hiệu quả từ chính sách dành cho khu vực bãi ngang ven biển là khá rõ nét. Tuy nhiên vẫn còn trăn trở bởi, các địa phương chủ yếu hưởng lợi từ việc đầu tư các công trình đường giao thông nông thôn, chợ, bờ kè chống triều cường… Trong khi đó, các công trình phục vụ đời sống tinh thần, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào bãi ngang nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề và giải quyết việc làm cho người dân… vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, với nghề biển là chủ yếu, nhưng ngư dân vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ vươn khơi xa do vốn lớn, lực nhỏ nên họ đành gác lại ước mơ, quẩn quanh với cuộc sống đạm bạc.

Để người dân khu vực này thực sự phát triển ổn định và bền vững, cần hơn nữa những chính sách đầu tư hỗ trợ cụ thể, phù hợp đặc điểm, đặc thù thực tế khu vực

Lê Phương

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.