Huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), tập trung nhiều đồng bào DTTS như: Tày, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái, Sán Dìu… cùng sinh sống. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo.
Là người dân tộc Nùng, chị Chu Thị Vui – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) bằng sự nhạy bén của mình, nhận thấy Nấm lim xanh là nông sản thế mạnh của địa phương nên đã dành thời gian tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi do chính quyền các cấp tổ chức. Khi đã có sự hiểu biết, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách, cộng thêm tiền tích luỹ của gia đình để đầu tư.
Nhờ tinh thần quyết tâm, ham học hỏi, không chịu lùi bước trước khó khăn, gia đình chị Vui đã xây dựng thành công mô hình trồng Nấm lim xanh dưới những tán rừng tự nhiên trên chính quê hương mình. Từ mô hình trên, mỗi năm gia đình chị thu hoạch 2-3 tạ nấm với thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5- 6 hội viên phụ nữ. Những năm gần đây, để mở rộng quy mô làm kinh tế gia đình , chị Vui tiếp tục trồng thêm cây mắc ca, chăn nuôi thêm trên 20 con bò sinh sản, nuôi gà để tăng thêm thu nhập.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Vui còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các chị em phụ nữ DTTS khác trên địa bàn vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo bền vững. Cụ thể, chị Vui đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như vận động tiết kiệm, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho hội viên, qua đó tạo điều kiện giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ các phong trào đã tiết kiệm được 5,1 tỉ đồng, hỗ trợ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình trồng cây keo lấy gỗ, phát triển kinh tế ở xã Dương Hưu cũng được xem là một mô hình hay sáng tạo được chị em phụ nữ huyện Sơn Động triển khai trong những năm qua.
Những năm trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị Trần Thị Phượng, dân tộc Dao ở thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu rất khó khăn. Được Hội LHPN xã quan tâm, cuối năm 2020, gia đình chị vay vốn 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách. Gia đình chị đã mạnh dạn trồng cây keo lai để phát triển kinh tế. Sau 5 năm ứng dụng kỹ thuật trồng cây hiện đại, câu keo lai đã mang lại thu nhập cao cho gia đình chị. Từ mô hình nhà chị Phương, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, chủ động mở rộng rừng trồng, đầu tư thêm vốn để mua cây con, cho thu nhập khá.
Chị Nịnh Thị Kính - Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Hưu cho biết, nhằm giúp phụ nữ DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng… thời gian qua, Hội LHPN xã Dương Hưu đã chỉ đạo các chi hội tập trung vận động hội viên đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn.
Hội đã tích cực khai thác, tín chấp các nguồn vốn cho hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh theo mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhiều chị em đã làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Cũng như trường hợp của nhiều phụ nữ DTTS khác, chị Lục Thị Hương (dân tộc Nùng, trú tại thôn Đồng Tâm, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động) đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Từ những ngày đầu lập nghiệp cách đây gần 20 năm, chị được Hội phụ nữ địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để làm ăn. Có đồng vốn, chị Hương đầu tư làm 2 mẫu vải thiều và trồng 2ha cây keo. Dần dần, mô hình kinh tế của chị cho kết quả tích cực, chị có của ăn của để.
Có thêm vốn, chị Hương tiếp tục mua thêm đất, trồng thêm cây keo. Đến năm 2010, chị Hương thoát nghèo. Đến nay, gia đình chị Hương có 6ha trồng cây keo. Chị mua thêm ô tô tải và máy xúc để làm kinh doanh vật liệu xây dựng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị Hương có lãi hàng trăm triệu đồng.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, tôi thấy rằng, mọi người cứ cố gắng, kiên trì học hỏi những kiến thức mới và không chịu lùi bước trước khó khăn, chắc chắn việc thoát khỏi đói nghèo sẽ không còn là trở ngại khó khăn nữa”, chị Hương bộc bạch.
Theo bà Đinh Thị Tuyết – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động thông tin, toàn huyện Sơn Động hiện có gần 16.000 hội viên phụ nữ, trong đó có hơn 9.300 người là đồng bào DTTS. Qua các mô hình kinh tế, các chị đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, làm chủ mảnh đất quê hương. Từ đó, giúp cho quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp vùng đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực. Những giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao từng bước được nhân rộng.
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ huyện Sơn Động đã có nhiều phong trào, hoạt động giúp đỡ các hội viên DTTS thuộc diện hộ nghèo phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó nổi bật là phong trào “Phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Tùy vào khả năng của từng người, mỗi hội viên phụ nữ có một con lợn riêng để đút tiền tiết kiệm. Từ những đồng tiền lẻ góp lại, hằng năm, các chi hội phụ nữ tổng kết số tiền tiết kiệm để cho các hội viên vay có vốn làm ăn, nhất là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo.
Đến nay, toàn huyện Sơn Động duy trì 95 mô hình tiết kiệm của phụ nữ với gần 5000 người tham gia. Tiêu biểu như mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Vườn rau sạch tiết kiệm”, “Quỹ tiết kiệm tiền”. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, các hội viên phụ nữ huyện Sơn Động đã tiết kiệm tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng, hơn 7.300 kg gạo, giúp cho 691 hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn.
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Động tiếp tục đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn lực tới từ các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS để giúp bà con, đặc biệt là hội viên người DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, Hội cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ.