Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vượt khó để giảm nghèo bền vững

PV - 16:12, 03/04/2018

Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới có diện tích tự nhiên 14.174km2; dân số trên 1,2 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 83,5% số dân. Những năm qua, Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, Sơn La vẫn còn nhiều địa bàn khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao… Đó là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xung quanh nội dung này.

 Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thăm cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bắc Minh ngày 28/5/2017. (Ảnh tư liệu) Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thăm cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bắc Minh ngày 28/5/2017. (Ảnh tư liệu)

 

Ông có thể chia sẻ một số kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách trong phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, trong nửa nhiệm kỳ đầu, nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội tăng so với bình quân chung của cả nước và khu vực Tây Bắc.

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,2%, cao hơn so với bình quân cả nước (6,21%), đứng thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phí Bắc, sau tỉnh Lào Cai. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.006 tỷ đồng, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi phí Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,59%; hoàn thành toàn diện 25/26 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 34,4 triệu đồng. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3% trở lên. Đến thời điểm này, việc thực hiện chỉ tiêu này như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra 5 chỉ tiêu bình quân hằng năm giai đoạn 2015-2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; riêng các huyện nghèo giảm 4-5%; phấn đấu đến năm 2020 không còn hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng.

Được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của các bộ ngành Trung ương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, công tác giảm nghèo của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 34,45%; năm 2016 là 31,91%; năm 2017 là 28,44%.

Năm 2018, tỉnh Sơn La có 02 huyện (trong tổng số 05 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ- CP) được công nhận thoát nghèo (song có thêm huyện Vân Hồ-huyện tách ra từ huyện Mộc Châu năm 2013 bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018- 2020).

Để đạt được những kết quả này, nhất là trong công tác giảm nghèo, theo ông là nhờ những yếu tố nào?

Đầu tiên là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) chuyên đề về dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và nhiều Nghị quyết, chương trình của Chính phủ như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135... Sơn La đã được đầu tư một nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế-xã hội.

Từ chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã có nhiều Nghị quyết, chương trình chăm lo đời sống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là nền tảng cho bước đường phát triển kinh tế, xã hội đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao ĐBKK, từng bước thoát nghèo bền vững.

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng Sơn La vẫn là một trong những tỉnh nghèo. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Đúng vậy. Sơn La vẫn còn 4 huyện nghèo, có 112 xã, 1.708 bản ĐBKKtheo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (tăng 13 xã khu vực III và 367 thôn, bản ĐBKK so với giai đoạn trước); Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 28,44%, hộ cận nghèo là 11,2%, trong đó hộ nghèo là hộ DTTS có 79.897 hộ, chiếm 97,09% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh... Đó là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là vì xuất phát điểm của Sơn La là một tỉnh nghèo, lạc hậu, địa bàn rộng, địa hình chia cắt sâu và mạnh, cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ dân trí thấp...

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Chỉ tính trong năm 2017, liên tục xảy ra nhiều đợt mưa to, kéo dài trên diện rộng gây lũ ống, lũ quét làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ông có thể cho biết một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018?

Năm 2018, UBND tỉnh Sơn La phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt tăng 8,5-9% so với năm 2017; tỉnh đang xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 theo từng quý để tập trung thực hiện; GRDP bình quân đạt 36,8 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt 5.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 14.500 tỷ đồng.

Về mặt xã hội, tỉnh phấn đầu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25,44%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 16%; giải quyết việc làm mới trong năm cho khoảng 23.000 người; đến hết năm 2018, có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 10 tiêu chí/xã…

Những giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu này là gì, thưa ông?

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng các giải pháp: Khai thác mạnh mẽ nguồn nội lực; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản; cải thiện môi trường đầu tư, huy động và thu hút các nguồn lực, đảm bảo các cân đối cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bền vững; ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng di dân tái định cư các dự án thủy điện; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Ông!

HOÀNG THANH - SỸ HÀO ( Thực Hiện )

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.