Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 10 năm xây dựng NTM, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn; nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hiện, cả nước vẫn còn 6 tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM dưới 20% tổng số xã, trong đó có 5 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Ðiện Biên).
Đánh giá về nguyên nhân, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông cho rằng, nhu cầu vốn để xây dựng NTM của các địa phương vùng DTTS và miền núi rất lớn, do địa hình phức tạp, nhiều nơi bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Trong khi đó, khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, xuất phát điểm thấp.
Bên cạnh đó, tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vì thế đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... ở vùng DTTS và miền núi.
Đây là những thách thức đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi trong xây dựng NTM, nhất là đối với việc thực hiện các mục tiêu sau năm 2020. Với riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, phải phấn đấu có ít nhất 1 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% các tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM… là không hề dễ.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới, UBDT đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện Chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai…). Đồng thời ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để giúp các thôn, xã giáp biên đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất.
Sự trợ lực của ngân sách Trung ương là rất cần thiết để vùng DTTS và miền núi vượt khó xây dựng NTM. Nhưng trong điều kiện ngân sách Trung ương hạn chế, ngân sách địa phương còn khó khăn, thì các tỉnh vùng DTTS và miền núi cần linh hoạt, chủ động trong quá trình thực hiện các tiêu chí. Trong đó, chú trọng xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể mỗi địa phương. Đặc biệt, các địa phương phải tính toán kỹ lưỡng để tất cả các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn gắn chặt với chương trình xây dựng NTM.
Ở khía cạnh liên quan, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án xây dựng NTM đặc thù đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên triển khai ở địa bàn khó khăn, vùng DTTS và miền núi; đồng thời, đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.