Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: “Lực đẩy” từ tài nguyên văn hóa (Bài 1)

Hoài Lê - 06:57, 25/07/2024

Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng. Trong dòng chảy đó, vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, dung hòa với những tinh hoa trong văn hóa Hà thành xưa – nay để cùng xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa và thanh lịch.

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: “Lực đẩy” từ tài nguyên văn hóa (Bài 1)
Văn hóa đồng bào các DTTS của Thủ đô tiếp tục hòa vào dòng chảy của văn hóa Hà Thành, góp phần xây dựng nền văn hóa Hà Nội đậm đà, giàu bản sắc. (Trong ảnh: Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì thu hút du khách)

Hiện 100% xã vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đang hướng tới mục tiêu có 60% xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2030. Trên lộ trình này, việc phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc, kết hợp với sức mạnh nội sinh của văn hóa Hà Thành là động lực để đưa vùng DTTS và miền núi Thủ đô trở thành miền quê đáng sống.

Bứt phá mạnh mẽ

Huyện Ba Vì thuộc vùng đất thuộc phía Tây kinh thành Thăng Long xưa; là nơi những dòng sông lớn của miền Bắc (sông Đà, sông Hồng, sông Lô) tụ thủy, góp phần bồi đắp nên vùng châu thổ trù phú với nền văn minh sông Hồng rực rỡ cách đây hàng nghìn năm.

Là vùng đất cổ của Xứ Đoài, Ba Vì được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng, sơn thủy hữu tình, với nhiều khu du lịch danh thắng, nghỉ dưỡng (Vườn Quốc gia Ba Vì; Ao Vua; Thiên Sơn - Suối Ngà, Khoang Xanh,...). Đây cũng là vùng đất tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc, với hơn 300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những ngôi đình được xếp vào loại cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam (Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu, Đình Thanh Lũng…).

Địa bàn vùng DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội trải rộng, chiếm 1/10 diện tích toàn TP. Hà Nội là địa phương có 50/53 thành phần DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó, đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Tài nguyên di sản của huyện Ba Vì được làm giàu thêm từ nền văn hóa đậm đà bản sắc của 24 dân tộc anh em cùng chung sống. Số liệu tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Ba Vì lần thứ IV - năm 2024 (tổ chức ngày 21/6) cho thấy, toàn huyện hiện có trên 29 nghìn người là đồng bào DTTS (chủ yếu là dân tộc Mường, Dao). Đồng bào DTTS của huyện sinh sống chủ yếu, tập trung tại 7/31 xã, thị trấn của huyện.

“Giàu có” là vậy, nhưng trước khi sáp nhập về Thủ đô (năm 2008), Ba Vì vẫn là vùng đất nghèo về kinh tế, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong dịp kỷ niệm 15 năm sáp nhập về TP. Hà Nội, ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã chia sẻ, vào thời điểm năm 2008, thu nhập bình quân toàn huyện chỉ đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 30% theo chuẩn nghèo đơn chiều...

Sau hơn 15 năm sáp nhập về Thủ đô, Ba Vì đã “bứt tốc” đầy ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 toàn huyện đạt 67,5 triệu đồng/người/năm; riêng 7 xã vùng DTTS và miền núi của huyện đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2023 giảm còn 0,44%; Ba Vì đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Một trong những giải pháp để huyện Ba Vì tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội là khai thác nguồn tài nguyên văn hóa độc đáo, đặc sắc để phát triển du lịch. Năm 2023, du lịch Ba Vì đã đón tổng 2.727 nghìn lượt khách, tăng 34,33% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt 401 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 10% doanh thu du lịch của TP. Hà Nội. Đây được lựa chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2023 của huyện Ba Vì.

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: “Lực đẩy” từ tài nguyên văn hóa (Bài 1) 1
Hệ sinh thái đa dạng, sơn thủy hữu tình cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc là lợi thế để vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội phát triển du lịch. (Trong ảnh: Một góc ở phân khu dịch vụ hành chính Vườn Quốc gia Ba Vì)

Cùng với huyện Ba Vì, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của TP. Hà Nội (Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện 100% xã vùng DTTS và miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Đặc biệt, kể từ khi trở thành “công dân Thủ đô”, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS và miền núi của Hà Nội đạt 66,1 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2024 đạt 72,5 triệu đồng/người/năm.

Giữ bản sắc trong hội nhập

Cũng như Ba Vì, các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức đều là những vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Kể từ khi sáp nhập vào địa giới hành chính TP. Hà Nội, các địa phương đã đưa nguồn tài nguyên văn hóa đó hòa nhập vào dòng chảy văn hóa của đất Hà Thành, tạo ra lợi thế so sánh để Thủ đô phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa.

Như huyện Thạch Thất - vùng đất gốc của người Việt cổ, trên địa bàn huyện có 209 di tích, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Huyện cũng có 92 di sản văn hóa phi vật thể với 18 di sản được ưu tiên bảo vệ.

Cùng với đó là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc (toàn huyện có khoảng 13 nghìn người DTTS, 95% là dân tộc Mường). Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện Thạch Thất phát triển toàn diện công nghiệp văn hóa.

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Thạch Thất, những năm qua, việc phát triển du lịch của huyện được triển khai theo định hướng của UBND Thành phố tại Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó bám sát quan điểm phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành 87 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Việc chú trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống của người dân Thạch Thất. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt hơn 91 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 8 lần trước khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Riêng vùng DTTS và miền núi của huyện (3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung), thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn 0,25%.

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: “Lực đẩy” từ tài nguyên văn hóa (Bài 1) 2
Vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội khai thác những lợi thế riêng biệt thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, với sự tham gia tích cực của cộng đồng. (Trong ảnh: Đồng bào DTTS ở bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì tích cực tập luyện để đưa văn hóa truyền thống đến với du khách)

Dẫn chứng nêu trên cho thấy, tài nguyên văn hóa đã và đang là “lực đẩy” cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững của vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội. Trên lộ trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của Thủ đô đã phát huy tiềm năng của mình để hội nhập cùng sự phát triển của Thành phố, làm phong phú thêm một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến – vùng đất trăm nghề.

Ở chiều ngược lại, như chia sẻ của ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nền văn hóa đậm đà bản sắc của đất Hà thành đã và đang tạo điều kiện để vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội khai thác những lợi thế riêng biệt thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa. Từ quá trình tiếp biến văn hóa, nét hào hoa, sự thanh lịch của người Hà Nội đã bồi đắp, làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch độc đáo của đồng bào DTTS Thủ đô.

Để mô hình du lịch bản Mền có sức lan tỏa đến các xã, thôn vùng DTTS và miền núi của Hà Nội, Sở Du lịch đề nghị chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch”.
Đặng Hương Giang
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Cũng như các địa phương vùng DTTS và miền núi của cả nước, du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. Đây là mô hình kinh tế “gánh vác” hai nhiệm vụ, vừa bảo vệ các nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, làm du lịch cộng đồng không đơn giản, mà cần các địa phương đầu tư suy nghĩ, định hướng. Bởi muốn đem lại kế sinh nhai bền vững cần đi kèm với việc phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường, phát huy được những nét văn hóa độc đáo, nổi bật.

Thực hiện định hướng của Thành ủy tại Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 22/02/2022, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Ba Vì đã triển khai dự án “Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, xã Ba Vì”.

Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đầu tiên trên địa bàn TP. Hà Nội, chính thức khai trương ngày 26/4/2024, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Ba Vì nói riêng, Hà Nội nói chung. Quan trọng hơn, từ mô hình du lịch bản Miền, văn hóa đồng bào các DTTS của Thủ đô tiếp tục hòa vào dòng chảy của văn hóa Hà Thành, góp phần xây dựng nền văn hóa Hà Nội đậm đà, giàu bản sắc.

Trong Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.