Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khởi sắc bản làng

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển (Bài cuối)

Hoài Lê - 06:06, 29/07/2024

Với nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố. Cùng với các chính sách chung của Thành phố, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của Thủ đô đã và đang vận dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS, từ đó góp phần làm dày và sâu thêm văn hóa Hà thành.

Với sự đầu tư đồng bộ, Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. (Ảnh minh họa)
Với sự đầu tư đồng bộ, Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. (Ảnh minh họa)

Nỗi lo mất bản sắc

Văn hóa Hà Nội là một dòng chảy xuyên suốt, nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc để tạo nên nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội đã dẫn tới tiếp biến văn hóa; bên cạnh “được rất nhiều” thì bản sắc văn hóa Hà thành cũng “mất không ít”.

Trong dòng chảy đó, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô đồng thời tiếp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của quá trình tiếp biến văn hóa. Những ồn ào của đời sống đương đại ngày càng hiện diện trong nếp sống của đồng bào; bên cạnh mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phục vụ đời sống tinh thần của bà con thì cũng khiến nhiều tập tục văn hóa của đồng bào bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng.

“Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta cần chú trọng đổi mới chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài”.
Nguyễn Thị Hải Nhung
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Rõ nhất là sự biến đổi trong thói quen sử dụng trang phục của đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt ở Ba Vì. Tên gọi Dao Quần chẹt bắt nguồn từ trang phục của bà con vùng này: đàn ông mặc quần trắng, quấn khăn; phụ nữ mặc áo thêu hoa văn cây tùng, con chim đậu... Đặc biệt, trong bộ trang phục của đồng bào, quần được quấn gối ống típ, từ bắp chân đến đầu gối.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, đại đa số người Dao Quần chẹt trẻ tuổi ở Ba Vì rất ít mặc trang phục truyền thống trong những ngày thường, ngoài những dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc. Bởi vậy, nguy cơ biến mất bản sắc trang phục truyền thống là trăn trở bao năm nay của những người cao tuổi ở cộng đồng dân tộc Dao quần chẹt ở Ba Vì.

Theo ông Lý Văn Phủ, Người có uy tín ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa dẫn tới sự giao lưu về văn hóa; những nét văn hóa truyền thống vì thế cũng dần biến đổi. Nhưng trong dòng chảy đó vẫn cần phải giữ cho được bản sắc riêng.

Một mối lo khác của đồng bào Dao ở Ba Vì là nguy cơ mất nghề làm thuốc Nam truyền thống. Nghe ra thì khá nghịch lý, bởi hiện nghề làm thuốc Nam đang mang lại thu nhập khá cho bà con; nhưng đây lại là một thực tế đáng quan ngại.

Theo ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì - địa phương đã được UBND TP. Hà Hội công nhân danh hiệu “Làng nghề chế biến thuốc Nam dân tộc Dao”, nỗi lo mất nghề truyền thống đang là suy tư của lãnh đạo xã cũng như của những người Dao cao tuổi. Trước hết là lo cạn kiệt nguồn nguyên liệu, nhưng lo hơn cả là thiếu hụt đội ngũ người làm nghề thuốc Nam kế cận.

Nghệ nhân Dương Thị Bình, ở thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) gắn bó với nghề làm thuốc Nam từ năm hơn 10 tuổi. Bà cho biết, trước năm 1996, nguồn dược liệu rất phong phú, dồi dào, cứ lên rừng là bài thuốc gì cũng có. Nhưng nay nhiều loại cây thuốc suy giảm về số lượng, một số cây thuốc không còn tìm thấy nữa. Thanh niên người Dao ở xã cũng không mấy mặn mà làm nghề truyền thống. Ngay gia đình bà Bình, có 8 người con nhưng hiện không ai theo nghề.

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển (Bài cuối) 2
Với nguồn lực đầu tư của Thành phố, nhiều bản sắc truyền thống của đồng bào các DTTS ở Thủ đô đã được bảo tồn, phát huy giá trị. (Trong ảnh: Diễn tấu chiêng Mường tại Ngày hội văn hóa, ẩm thực các dân tộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất năm 2024)

Với đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất, cồng chiêng là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Tiếng cồng, tiếng chiêng chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý truyền thống, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường. Nhưng sau khi sáp nhập vào địa giới hành chính Hà Nội (năm 2008), trong một thời gian dài, hoạt động diễn tấu chiêng của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình bị lắng xuống và mờ nhạt.

Phát triển gắn với bảo tồn

Không riêng vùng DTTS của Thủ đô mà trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến thế giới ngày càng phẳng hơn, văn hóa Hà thành cũng có nhiều biến đổi, vừa có mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Trong Chương trình 06-CTr/TU 2021 về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành ngày 17/3/2021 (Chương trình số 06-Ctr/TU), Thành ủy Hà Nội nhận định: Những năm qua, công tác phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

“Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, quá trình đô thị hóa nhanh, tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng cao; sự xâm lăng văn hóa qua truyền thông, mạng xã hội ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi và phức tạp...”, Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội nhận định.

“Hà Nội đang trở thành một Thành phố năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao”.
Ông Nguyễn Văn Phong
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

Tại Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức ngày 23/7/2024, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội.

“Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô là, liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác lớn, riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”, ông Phong nói. 

Quả thực, những năm qua, nhất là kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa. Chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Thành ủy ban hành, triển khai qua 02 giai đoạn (2016 - 2020 theo Chương trình số 04-Ctr/TU ngày 26/4/2016; giai đoạn 2021 - 2025 theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021).

Ngoài Chương trình số 06-Ctr/TU, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gần đây nhất là Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được lãnh đạo Thành phố quan tâm, tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách Thành phố.

Đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi của Thủ đô, ngoài chính sách chung thì công tác phát triển văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn được trợ lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719).

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển (Bài cuối) 4
TP. Hà Nội phấn đấu hết năm 2025, 40% xã vùng DTTS của Thủ đô đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. (Trong ảnh: Một góc xã Đông Quang, huyện Ba Vì)

Theo số liệu của Ban Dân tộc Hà Nội, tổng mức thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn là hơn 2.144,5 tỷ đồng; đến nay, thành phố đã bố trí 1.172,065 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội cũng đã bố trí 1.255 tỷ đồng để đầu tư phát triển vùng DTTS của Thủ đô.

Nguồn lực đầu tư của Thành phố đã kịp thời để các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của Thủ đô tập trung phát triển kinh tế - xã hội để “không bị bỏ lại phía sau” trên hành trình phát triển của Hà Nội. Đặc biệt, quán triệt quan điểm “văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị”, từ hiệu quả của Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa Mường, Dao được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội đã và đang tập trung triển khai công tác phát triển văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ở 5 huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống theo chỉ đạo chung của các nghị quyết, chỉ thị mà Thành ủy đã ban hành.

Hành trình gìn giữ, phát huy và đưa bản sắc văn hóa các DTTS của Thủ đô vào dòng chảy văn hóa Hà thành đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, để Hà Nội giữ vững, phát triển danh hiệu “Thành phố sáng tạo” được UNESCO ghi đanh.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, TP. Hà Nội phấn đấu hết năm 2025, 40% xã vùng DTTS của Thủ đô đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030 nâng tỷ lệ này lên 60%, đồng thời có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương vùng DTTS và miền núi của Thủ đô cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022; cùng với các quận nội thành và huyện ngoại thành khác giữ vững, phát triển danh hiệu “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III, năm 2019, có 5/7 chỉ têu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên rõ rệt.