Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vùng cao Thuận Châu: Đổi thay nhờ “5 có, 5 không”

PV - 11:19, 06/09/2019

Những năm qua, trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đời sống của đồng bào các dân tộc đã có nhiều đổi thay tích cực: những tập quán, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi thay vào đó là nếp sống văn hóa; khối đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường... Đó là kết quả của quá trình thực hiện cam kết “5 có, 5 không” của tỉnh Sơn La trong đồng bào dân tộc Mông.

Về Thuận Châu nghe chuyện cũ

Khoảng hơn chục năm về trước, huyện Thuận Châu trong ký ức của nhiều nguời là vùng đất “nổi tiếng” bởi sự đói nghèo và lạc hậu. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có trên 3.800 hộ đồng bào dân tộc Mông với gần 19.000 nhân khẩu của 19 dòng họ dân tộc Mông cư trú, chiếm 12% dân số toàn huyện.

Là người gắn bó cả đời với vùng cao, già làng Vàng Thanh Páo năm nay ngoài 70 tuổi, ở bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ đã chứng kiến nhiều hủ tục lạc hậu của bản, của xã.

Già Páo kể lại: Ngày trước, chúng tôi lấy vợ rất sớm, khi cưới phải có hàng trăm lít rượu, 30 đồng bạc trắng, mổ hơn 10 con trâu, bò để ăn uống từ 3-4 ngày; khi gia đình có người chết, không cho vào quan tài mà mỗi người con phải góp 1 con bò hoặc 1 con lợn để lo tổ chức làm ma kéo dài 4-5 ngày, rất tốn kém; nhiều gia đình không có tiền, không có trâu, bò phải vay mượn anh em họ hàng, hàng xóm, có khi đến đời con, đời cháu mới trả được hết nợ.

Đặc biệt, lúc bấy giờ cây thuốc phiện trở thành cây “chủ lực” ở nơi đây, nhiều diện tích rừng bị người dân lấn chiếm để lấy đất trồng cây thuốc phiện. Cũng vì thế mà ở Thuận Châu, số người nghiện thuốc phiện rất nhiều. Không chỉ người già mà nhiều thanh niên cũng nghiện thuốc phiện-Già Páo nói.

Bà con xã Phổng Lái thu hái chè. Bà con xã Phổng Lái thu hái chè.

Những đổi thay

Tuy nhiên, đó là hình ảnh của hàng chục năm về trước, bây giờ Thuận Châu đã đổi mới, văn minh rất nhiều, những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn được bảo tồn và phát huy.

Theo đó, để đẩy lùi hủ tục và đói nghèo ở Thuận Châu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức các hội nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín dân tộc Mông toàn tỉnh, để phổ biến nội dung “5 không, 5 có” và ký cam kết thực hiện trong đồng bào dân tộc Mông.

Cụ thể, “5 có” quy định: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán; Có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông; Có ý thức xây dựng Bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; Có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt.

Đồng thời là “5 không” với các nội dung: Không du canh, du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu; Không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; Không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; Không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy; Không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con.

Đến những đổi thay…

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp của bản, ông Thào Xuân Và, Người có uy tín bản Mô Cổng, xã Phổng Lái không giấu được niềm vui khi kể về những đổi thay của đồng bào dân tộc Mông những năm qua. Ông Và cho biết, nhờ thực hiện cam kết “5 có, 5 không” mà đời sống của bà con đã có sự thay đổi đến lạ kỳ.

Người Mông ở đây đã bảo nhau thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới, biết kết hợp giữa lễ cưới truyền thống với lễ cưới văn hóa, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Cùng với đó, những tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc Mông tiếp tục được duy trì và phát triển, mê tín dị đoan cũng từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém.

Không chỉ đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mà việc học hành của con em đã được các gia đình, dòng họ người Mông thực sự quan tâm, không phân biệt là con trai, con gái, cứ đến tuổi đi học là được đến trường. Điều này, được minh chứng qua con số hết sức ấn tượng khi 19 dòng họ đồng bào dân tộc Mông trong toàn huyện đã thành lập được 19 chi hội khuyến học. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng lên, số học sinh tiểu học, THCS, THPT ngày một tăng… Ngoài ra, các dòng họ đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, tình trạng du canh, du cư, vượt biên trái phép đã giảm nhiều so với trước; đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới tích cực tham gia và thực hiện phong trào bảo vệ an ninh biên giới, tự quản đường biên, mốc giới; không vượt biên trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện, cam kết thực hiện và giữ vững bản “4 không” về ma túy.

Một điểm nổi bật khi thực hiện cam kết “5 có, 5 không” của đồng bào dân tộc Mông ở Thuận Châu, đó là xóa bỏ cây thuốc phiện bằng những cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng cao đã mang lại hiệu quả như cây sơn tra, sa nhân, lúa nước hay những cây ăn quả trên đất dốc là chanh leo, bơ, xoài, nhãn đang hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân nơi đây. Cùng với đó, người dân tích cực đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học-kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, xây dựng bản làng no ấm.

Đến thăm vườn chanh leo với hơn 200 gốc của gia đình anh Thào A Hồ bản Mô Cổng, xã Phổng Lái. Trong căn nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới được vợ chồng anh chị hoàn thiện cách đây không lâu, anh Hồ phấn khởi cho biết: Có được ngôi nhà này một phần lớn là do thu nhập từ trồng chanh leo một hai năm trở lại đây. Là hộ gia đình mạnh dạn, tiên phong trồng chanh leo ở xã Phổng Lái, sau 2 năm giờ đây vào mỗi vụ thu hoạch tôi thu về từ 60 đến 80 triệu đồng.

Từ những niềm vui của gia đình anh Hồ, chúng tôi đã phần nào cảm nhận rõ những hiệu quả tích cực trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân vùng cao khi thực hiện cam kết “5 có, 5 không”. Câu nói của ông Thào Xuân Và như một lời khẳng định cho tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông: “Cái cam kết “5 có, 5 không” này tốt thật, nhờ thực hiện mà cuộc sống của bà con chúng tôi đang ngày càng nâng cao, cái bụng không còn lo bị đói, con cháu đến tuổi đều được đến trường, gia đình, bản làng no ấm, hạnh phúc”.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.