Cây ớt gió ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn trước đây chỉ mọc tự nhiên quanh các mỏm đá tai mèo. Người dân khi có nhu cầu thì hái vài quả về làm gia vị. Thế nhưng, những năm gần đây, qua quá trình lưu thông hàng hóa, loại cây đặc sản này trở thành một thế mạnh riêng có của địa phương, với giá bán cao gấp 5, 6 lần sản phẩm cùng loại.
Gia đình anh Hờ A Phủ, thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn chia sẻ, bản thân anh vốn không bao giờ nghĩ, cây ớt gió lại có thể bán được thành tiền. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch khi tới thăm Đồng Văn sau khi thưởng thức ẩm thực đã tìm mua riêng loại ớt này. Vì vậy, thay vì vào rừng tìm ớt gió thì anh cũng như nhiều hộ gia đình đã mang về ươm trồng trên nương. Hiện gia đình anh có 15.000 cây ớt gió, nhiều nhất thôn.
Theo anh Phủ, ớt gió quả nhỏ, hương vị thơm, giòn, cay dịu, thoảng qua như một cơn gió. Đây là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, có khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Ớt gió được trồng vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau 3 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch. Thời gian thu hái kéo dài khoảng 6 tháng, với diện tích 0,5ha, mỗi tuần gia đình anh Phủ thu khoảng 5kg ớt tươi, có tuần thu được 7kg; giá bán dao động 500.000 - 800.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 1 triệu đồng. Thôn Bản Mồ có 37 hộ thì có khoảng 30 hộ trồng ớt, nhờ cây ớt mà nhiều gia đình nơi đây đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hiện, tổng diện tích trồng ớt của thị trấn Đồng Văn khoảng 4 - 5ha, tập trung ở các thôn Bản Mồ, Lài Cò và Má Lủ. Năng suất bình quân mỗi ha đạt khoảng 4 tạ/năm, trung bình mỗi ha ớt gió cho người dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bởi thế, ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn tận dụng những phần đất của gia đình để trồng ớt, nhà trồng ít thì vài chục cây; nhiều thì vài trăm cây...
Không riêng cây ớt gió, nhiều loại cây đặc sản khác ở vùng cao Hà Giang đã được người dân tận dụng phát triển. Ông Vương Đức Tinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Cà, huyện Xín Mần chia sẻ, từ xa xưa trên vùng cao biên giới này, người dân đã trồng cây ý dĩ như một loại cây ngũ cốc đặc sản. Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ trồng số lượng nhỏ, phục vụ nhu cầu gia đình. Thời gian gần đây, khi giao thông thuận lợi, nhiều thương lái đến thu mua hạt ý dĩ, nên người dân đã phát triển cây trồng này thành một loại hàng hóa. Hiện trong xã có khoảng 110 hộ trồng ý dĩ. Loại cây trồng này tập trung ở các thôn: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chái, Khờ Chá Ván, Hồ Mù Chải, Chí Cà Thượng; diện tích trồng hằng năm khoảng 20 - 28ha.
Đã là cây trồng đặc sản thì không thể phát triển một cách ồ ạt đại trà, mà cần khoanh vùng những địa phương phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ngoài ra, chính quyền cùng người dân nơi trồng cây đặc sản cần chú trọng hơn tới chế biến sâu, chế biến theo chuỗi giá trị nhằm tối ưu hóa giá trị của sản phẩm.
TS. Lê Minh Sơn, Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng
Trong chuyến công tác về Hà Giang, TS. Lê Minh Sơn, Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho biết, Hà Giang là địa phương miền núi có nhiều loại cây đặc sản, bước đầu đã được người dân gieo trồng và chế biến thành một số sản phẩm. Đây là hướng đi đúng cần phát huy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, TS. Lê Minh Sơn cho rằng, đã là cây trồng đặc sản thì không thể phát triển một cách ồ ạt đại trà, mà cần khoanh vùng những địa phương phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ngoài ra, chính quyền cùng người dân nơi trồng cây đặc sản cần chú trọng hơn tới chế biến sâu, chế biến theo chuỗi giá trị nhằm tối ưu hóa giá trị của sản phẩm. Đồng thời, chính quyền địa phương cần kết nối hướng dẫn người dân quảng bá thương hiệu, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Có như vậy, những sản phẩm đặc sản này mới có thể phát huy hết giá trị, đem lại cơ hội làm giàu cho người dân.
(Bài viết thuộc Chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)