Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Vụ mua - bán nhà có dấu hiệu lừa đảo tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh: Vì sao không thể điều tra xử lý hình sự?

Lê Thuận - 13:20, 30/11/2020

Vụ việc hy hữu gây xôn xao dư luận khi một người hào phóng bỏ 58 tỉ đồng cao hơn giá trị thực để mua nhà tại quận Tân Bình, TP HCM. Tuy nhiên, chỉ trả trước 11 tỷ và sau khi có được giấy tờ căn nhà của khổ chủ, người này đã bán lại căn nhà với giá 28 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra hiện vẫn “bó tay” chưa thể xử lý.

Ông Nguyễn Văn Quyện nhiều năm đi tố cáo kẻ mua nhà mình lừa đảo không trả tiền
Ông Nguyễn Văn Quyện nhiều năm đi tố cáo kẻ mua nhà mình lừa đảo không trả tiền

Cụ thể là trường hợp của ông Nguyễn Văn Quyện (ngụ số 335 Bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) bán căn này cho ông Trần Vũ Trường, thường trú tại Giá Rai, Bạc Liêu với giá 58 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông Trường mới trả 11 tỉ đồng, rồi cam kết trong vòng 45 ngày sẽ thanh toán hết 47 tỷ còn lại. Trường đã không thực hiện cam kết mà bán cho người khác với giá 28 tỷ đồng.

Chưa lừa xong đã vào tù!

Ông Quyện đã tố cáo đến các cơ quan chức năng rằng, đây là “cái bẫy” mà Trường đã giăng ra để lừa đảo. Bởi vì, sau khi đi công chứng xong, ông Quyện tin tưởng, giao giấy tờ nhà cho bên mua. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau, ông Trường đã “phù phép, biến hóa” đi trước bạ, đăng bộ, đóng thuế và sang tên thành công. Sau đó, ông Trường đã “sang tay” bán lại cho người khác với giá 28 tỉ đồng mà “quên” thanh toán số tiền còn lại 47 tỷ đồng cho ông Quyện.

Biết mình “dính” bẫy lừa đảo, lập tức ông Quyện đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn mọi giao dịch phi pháp liên quan đến căn nhà trên. Đồng thời, ngày 30/11/2014, ông Quyện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân (TAND) quận Tân Bình.

Khi khởi kiện, ông Quyện bất ngờ khi biết "đại gia" Trường đang phải ngồi tù, bởi chiêu lừa đảo do mình gây ra. Sau đó, ông Quyện đã gặp Trường để yêu cầu Trường viết cam kết trả nợ. Tuy nhiên, Trần Vũ Trường ghi trong bản cam kết rằng: "Trước đây, tôi là người mua căn nhà 335 Bis Lê Văn Sỹ, phường 1, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Tôi có cam kết trả nợ đủ số tiền 58 tỷ cho ông Quyện trong vòng 45 ngày. Hiện tôi đang chấp hành án tù tại trại giam Bến Giá, Trà Vinh, nên không đủ khả năng thực hiện cam kết nêu trên. Tôi đồng ý để gia đình ông Quyện liên hệ cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ căn nhà trên”.

Tại bản tự khai ngày 27/3/2017 có xác nhận của Ban giám thị trại giam Bến Giá, tỉnh Trà Vinh, Trường trình bày: “Ngày 16/10/2014, sau khi đăng ký quyền sở hữu căn nhà số 335Bis Lê Văn Sỹ, Phường 1, quận Tân Bình theo quy định của pháp luật, tôi đã chuyển nhượng cho bà Hoàng Ngọc Điệp (hợp đồng có công chứng tại Văn phòng Công chứng quận 10) với giá là 28 tỷ đồng. Nhưng thực chất tôi chỉ cầm (cầm cố với lãi suất 3% tháng) chứ không bán và có nhiều người làm chứng”.

Dấu hiệu lừa đảo, nhưng sao không xử lý?

Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Quyện và bị đơn là ông Trần Vũ Trường, TAND quận Tân Bình xét thấy vụ kiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên chuyển lên cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra (CQĐT) - Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Quá trình điều tra, chưa xác nhận được nơi cư trú, không tiếp xúc được với ông Trường nên chưa xác định được hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo. Vậy là, CQĐT cũng đành bó tay, chuyển lại hồ sơ vụ việc đến tòa để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

Trong khi đó, kẻ lừa đảo đã bị bắt giam trong vụ án khác tại trại giam của Bộ Công an. Và thực tế, dù Trần Vũ Trường sang tên căn nhà hợp pháp, nhưng lại không trả nợ 47 tỷ đồng cho ông Quyện đó chính là lừa đảo cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Căn nhà của ông Quyện trong vụ án bị lừa đảo kéo dài nhiều năm
Căn nhà của ông Quyện trong vụ án bị lừa đảo kéo dài nhiều năm

Ông Quyện cho biết, TAND quận Tân Bình cũng đã khẳng định vụ án có dấu hiệu lừa đảo, nên mới chuyển cơ quan công an điều tra. Do không tiếp xúc được với Trường, nên vụ án đưa ra xét xử còn nhiều khuất tất. Luật sư Nguyễn Văn Đình (TP. HCM) phân tích thêm: “Ông Trường khai là chỉ cầm cố với lãi suất 3% tháng và không đồng ý để bà Điệp lấy đất và tài sản trên đất ông Quyện đang là chủ sở hữu. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tài sản trên đất giữa ông Trường và bà Điệp là giao dịch giả tạo. Vì vậy, dù mua nhà được công chứng, nhưng bà Điệp cũng không thể sang tên, sử dụng căn nhà mà người mua trước đã có dấu hiệu lừa đảo”.

Trong vụ việc này, không chỉ có ông Quyện ngậm đắng nuốt cay vì bị lừa mất trắng căn nhà, mà cả người mua là bà Điệp cũng mất ăn mất ngủ. Nếu TAND tuyên bố giao dịch mua bán nhà vô hiệu giữa ông Trường và bà Điệp thì coi như bà Điệp mất trắng cả “chì lẫn chài”. Nhà thì không được nhận, còn tiền bà đã giao cho ông Trường chưa biết khi nào mới lấy được gốc và lãi.

Vụ việc đã xảy ra từ năm 2014, nhưng đến nay kiện tụng vẫn còn kéo dài. Ông Nguyễn Văn Quyện để bảo vệ tài sản của mình, phải tự điều tra, tìm bằng được Trần Vũ Trường trong nhà giam đề nghị hủy hợp đồng mua bán. Còn chính quyền, cơ quan chức năng vẫn “ngó lơ” chưa thể giải quyết dứt điểm.

Hiện dư luận đặt dấu hỏi, với những tình tiết phạm tội rõ ràng của vụ án chẳng lẽ cơ quan điều tra lại bó tay?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc trên.

Tin cùng chuyên mục
Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh: Đối thoại để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác và sức chiến đấu ở cơ sở

Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh: Đối thoại để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác và sức chiến đấu ở cơ sở

Nhằm tạo cơ hội để cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã, phường, thị trấn bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất các giải pháp hiệu quả công tác và chiến đấu ở cơ sở. Chiều 20/9, Công an TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Ban Thường vụ Đảng ủy – Ban Giám đốc Công an thành phố với CBCS Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024.