Cụ thể, nhóm nghiên cứu của giáo sư khoa học sức khoẻ John O'Neil thuộc ĐH Simon Fraser (Canada) đã phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) Việt Nam, Đại học Melbourne (Australia), Bộ LĐTBXH, cùng phát triển ứng dụng này.
Vmood liên kết người dùng với các nguồn thông tin, kiến thức, tư vấn, sản phẩm hỗ trợ v.v. sức khoẻ tâm thần, cho phép người dân sống xa các trung tâm y tế/bệnh viện và chuyên gia tâm lý vẫn có thể được nhận dịch vụ chăm sóc cần thiết như trò chuyện, đặt lịch tư vấn, hướng dẫn điều trị bệnh. Dựa trên các thông tin do người dùng cung cấp, phần mềm sẽ hướng dẫn các kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc, tự kiểm soát trầm cảm.
GS O'Neil cho biết ông kỳ vọng công cụ này sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân và dự định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng nó.
Sáng kiến thực chất khởi nguồn từ một nghiên cứu vào năm 2013 do cố GS Elliot Goldner, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Sức khỏe Tâm thần và Nghiện (CARMHA), đứng đầu. Ông đã dành một thập kỷ để tìm kiếm cách thức giúp các dịch vụ sức khoẻ tầm thần trở nên dễ tiếp cận hơn cho những người cần chúng. Ông đã xây dựng và chứng minh thành công hiệu quả của phương pháp tự quản lý ở Vancouver - bao gồm cả việc phát triển sổ tay hướng dẫn kỹ năng tự quản lý sức khoẻ tâm thần - trước khi mở rộng ra toàn thế giới.
Grand Challenges Canada (một tổ chức phi lợi nhuận của Canada chuyên đầu tư vào các ý tưởng đổi mới nhằm giải quyết các thách thức nghiêm trọng về sức khỏe toàn cầu ở các quốc gia đang phát triển) đã tài trợ cho công trình này từ quá trình nghiên cứu đến thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên ở một số tỉnh thành tại Canada. Kết quả còn hơn cả mong đợi với gần 60% trong số những người tham gia thử nghiệm đã cải thiện được các triệu chứng về mặt lâm sàng.
Với mong muốn áp dụng phương pháp này tại Việt Nam, Chương trình Sức khỏe Tâm thần Toàn cầu của quỹ Grand Challenges Canada và chính phủ Việt Nam đã tài trợ khoản tiền trị giá 2,8 triệu USD nhằm số hoá Mô hình tự quản của Đại học Simon Fraser thành ứng dụng Vmood, cũng như hỗ trợ sự phát triển của các dịch vụ sức khỏe tâm thần cộng đồng khác trên khắp cả nước.
Đồng Giám đốc điều hành Grand Challenges Canada, Karlee Silver, chia sẻ: “Điều này sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc lẫn chi phí cho các hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đồng thời trao quyền cho các cá nhân - cá nhân sẽ đóng vai trò tích cực trong việc quản lý sức khoẻ tâm thần của họ.”
Mặc dù dự án VMood chủ yếu được triển khai tại Việt Nam, Leena Chau - nghiên cứu sinh về khoa học sức khỏe thuộc nhóm nghiên cứu - đang hy vọng có thể thử nghiệm ứng dụng với cộng đồng người Việt nhập cư tại British Columbia, Canada. Từ kết quả thử nghiệm với cộng đồng Việt Nam trong nước, cô sẽ rút ra được những kết luận cần thiết để “chuyển giao kiến thức, ứng dụng trở lại” cho người Việt Nam tại Canada.
Theo các nhà nghiên cứu, rối loạn trầm cảm và lo âu ở người lớn và trẻ em là tình trạng phổ biến ở Việt Nam, song các nhân viên y tế thường không được đào tạo bài bản để nhận biết và điều trị các vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần thông thường, nhất là tại các tuyến y tế cơ sở. Vì lẽ đó, nhóm nghiên cứu cũng sẽ hỗ trợ Bộ LĐTBXH tạo ra hệ thống dữ liệu về sức khỏe tâm thần và cải thiện quy trình đào tạo cho nhân viên xã hội và nhân viên chăm sóc sức khỏe về các can thiệp dựa vào cộng đồng đối với chứng trầm cảm và lo âu./.