Xác định phát triển kinh tế rừng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời tăng hiệu quả quản lý sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị từ rừng. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các loại rừng cho phù hợp với thực tế, hoàn thiện đóng mốc giới trên thực địa 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); tổ chức giao khoán bảo vệ rừng đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình...
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động làm tốt công tác trồng, phát triển rừng, gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng, đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng vào trồng, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng…
Nhờ đó, nhiều mô hình trồng rừng thâm canh với các giống cây mới như: keo hạt Úc, keo lai, bạch đàn mô, sưa... được triển khai nhân rộng. Một trong những điển hình về việc nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là ông Hoàng Quốc Vượng ở thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên.
Trước đây gia đình ông Vượng đã mạnh dạn nhận hơn 100ha đất để trồng rừng, trong đó có hơn 60 ha đất rừng sản xuất và 40 ha rừng phòng hộ. Thời gian đầu, ông đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc cây. Thế nhưng, với những nỗ lực của bản thân, cùng với việc chịu khó học hỏi, giờ đây, gia đình ông Vượng đã có trên 100 ha rừng trồng, cho thu nhập cả tỷ đồng/năm. Vùng đồi núi hoang vu giờ đã thành cánh rừng xanh ngát.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, ông Vượng còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho gần chục lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Vượng phấn khởi cho biết, mỗi năm gia đình ông thu về bình quân khoảng 1 tỷ đồng từ việc bán gỗ nguyên liệu để làm giấy. Trung bình mỗi ha keo lai, bạch đàn đến chu kỳ khai thác (sau 5 – 7 năm trồng) nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn gỗ nguyên liệu”.
Song song với việc phát triển kinh tế rừng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, góp phần giữu gìn tài sản thiên nhiên, đặc biệt là tại khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Với diện tích 15.000 ha, Vườn Quốc gia Tam Đảo có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Việc nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng đối với người dân ở các khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo sẽ góp phần giữ cho “lá phổi xanh” được bền vững. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng thông qua các buổi thuyết trình, trình chiếu tập huấn cho nhân dân các xã xung quanh vùng đệm.
Ông Nguyễn Đức Khải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Tam Đảo cho biết, từ công tác tuyên truyền phong phú, hiệu quả, nhận thức của người dân quanh vùng đệm đã thay đổi rõ rệt; các thói quen vào rừng lấy thuốc quý, khai thác gỗ, săn bắt động vật như trước đây đã không còn; ngược lại người dân đã chú trọng, ý thức bảo vệ rừng bằng việc ký cam kết thực hiện các hương ước, quy ước về rừng, cùng chung tay phòng chống cháy rừng.
Không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển từng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ đầu tư 161 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, Vĩnh Phúc đã trồng được 128 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng lại rừng sau khai thác (rừng sản xuất) gần 4.000 ha; khảo nghiệm 22 mô hình cây keo lai; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên 205 ha rừng/năm; thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế gần 195 ha.
Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 24,1% (năm 2017) lên 25% (năm 2022) đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt trên 103 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân đạt 3,9%... Qua đó đã góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về Luật Lâm nghiệp; tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh tích hợp, thống nhất với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch đất đai. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng, phấn đấu năng suất gỗ đạt 15 m3 /ha/năm trở lên; quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi giữa 3 loại rừng; thu hút các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ…