Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Vĩnh Phúc: Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển vùng DTTS

Vĩnh Sơn - 12:29, 23/07/2023

Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của Nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. Nhờ đó, diện mạo vùng DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Theo ông Hoàng Anh – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc,
Theo ông Hoàng Anh - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc còn 11 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều đáng nói, hiện Vĩnh Phúc đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thôn đặc biệt khó khăn. 

Theo ông Hoàng Anh - Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, bám sát các chỉ đạo từ Trung ương, những năm qua, nhờ sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của Nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các dự án, chương trinh, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Theo đó, nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, thay đổi cả về quy mô, chất lượng; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, hoạch định chính sách dân tộc; hoàn thiện xây dựng và phát triển đồng bộ, mở rộng cơ sở dữ liệu vùng đồng bào DTTS và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc...

Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS ngày càng "thay da đổi thịt", tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm nhanh qua từng năm. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS chỉ còn 2,34%.

Bên cạnh đó, về lĩnh vực y tế, hiện 100% các xã miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có trạm y tế, đa số thôn đã có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng DTTS và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% các xã vùng DTTS và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa. Về giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng, nâng cấp và kiên cố hóa, chất lượng đội ngũ quản lý và giảng dạy được nâng cao...

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm bảo tồn, phát huy.
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm bảo tồn, phát huy

Xã Lãng Công, huyện Sông Lô nơi có hơn 11% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống trở thành một trong những địa phương điển hình về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Theo bà Dương Thị Thanh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công, những năm qua, các chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi được triển khai đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp xã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. 

Tận dụng thế mạnh có khoảng 1.200 ha đồi rừng, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chủ trương dồn điền đổi thửa, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng.

Chị Nông Thị Hường - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hoàng Sơn (xã Lãng Công) chia sẻ: Hoàng Sơn có 46 hộ với khoảng 300 nhân khẩu sinh sống, trong đó chủ yếu là  dân tộc Dao. Thay vì trước đây chỉ lên núi làm nương, trồng sắn, cấy lúa, nay nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bà con đã biết trồng nhiều cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà... Hiện toàn thôn có trên 10 hộ chăn nuôi quy mô lớn, trên 70% hộ khá, giàu và là thôn duy nhất của xã Lãng Công không có hội viên phụ nữ nghèo.

Đặc biệt, học theo cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm của bà con ở nhiều vùng miền trên Youtube, Zalo, Facebook và các sàn thương mại, bà con ở Hoàng Sơn cũng đã sử dụng điện thoại thông minh lập các trang Facebook, Youtube... chủ động liên hệ với những người có chuyên môn để Livestream quảng cáo cây thuốc Nam, sản phẩm thịt lợn lửng, gà ta thả đồi… đến người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cao. 

Hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS ở Vĩnh Phúc không ngừng được nâng cao

Mặc dù trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả nhất định góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng để các chính sách dân tộc đi vào đời sống thực tế ngày một hiệu quả hơn, theo ông Hoàng Anh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với tỉnh trong thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc, trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG 1719. 

Theo đó, Ban Dân tộc sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với những giải pháp cụ thể như: Có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn để tạo ra việc làm cho lao động tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, quy hoạch ổn định dân cư gắn với phát triển cơ sở hạ tầng; chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từng bước xóa bỏ các hủ tục, hướng người dân tới nếp sống văn minh, hiện đại.

Phát huy tốt vai trò của Người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó gắn kết khối đoàn kết giữa các dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa vùng DTTS với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang

Ngày 21/9, tại Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang về công tác sửa chữa, xây dựng trường học. Tham dự buổi làm việc còn có một số Vụ, đơn vị, phòng, ban liên quan.