Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vĩnh Phúc: Tạo sinh kế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS

Trang Diệp - 06:35, 20/10/2023

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân bình quân đầu người thực tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt 60 – 70 triệu đồng/người/năm (bằng 70% so với thu nhập chung của tỉnh), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đã và đang tập trung triển khai Chương trình MTQG 1719, giải quyết các nhu cầu cấp bách của người dân, tạo nền tảng để triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩnh Phúc tăng cường phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS (Ảnh: Hoàng Quý)
Vĩnh Phúc tăng cường phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS (Ảnh: Hoàng Quý)

Quyết tâm xóa khoảng cách phát triển

Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có hơn 55.000 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS của tỉnh sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và TP. Phúc Yên.

Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai hiệu quả làm bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng lên rõ rệt. Hiện tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh giảm còn 5,7% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.

Với mục tiêu không còn khoảng cách, chênh lệch phát triển giữa các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi với các địa bàn khác, trong Kế hoạch số 185/KD-UBND ngày 15/7/2022 về thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra các giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành liên quan để triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân bình quân đầu người thực tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt 60 – 70 triệu đồng/người/năm; đến năm 2030 nâng thu nhập của người dân ở địa bàn này lên 130 – 135 triệu đồng/người/năm, bằng thu nhập chung của tỉnh.

Theo Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, để thực hiện thắng lợi Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những giải pháp chủ yếu được UBND tỉnh đặt ra là tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). 

Theo đó, với việc triển khai Chương trình MTQG 1719, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống dưới 1%, đến hết 2025 phấn đấu bằng với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn (theo quy định chuẩn mới của từng thời kỳ), đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo.

Giải quyết dứt điểm các nhu cầu cấp bách

Để đạt các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719, hướng tới thực hiện thắng lợi Chiến lược Công tác dân tộc tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giải quyết các nhu cầu cấp bách trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở địa bàn “lõi nghèo”.

Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm trước khi có Chương trình MTQG 1719, số hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là không nhiều. Số liệu tổng hợp của các địa phương triển khai Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG 1719 cho thấy, tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở là 294 hộ (trong đó có 42 hộ thiếu đất ở; 252 hộ đề nghị hỗ trợ phí, lệ phí làm thủ tục chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở); số hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ cũng chỉ khoảng 371 hộ. Riêng nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt, hiện tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% nên tỉnh Vĩnh Phúc không còn đối tượng thực hiện nội dung này.

Đối với đất ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo, ở những nơi có điều kiện về đất đai, các địa phương khẩn trương cải tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật, cấp đất ở cho hộ có nhu cầu. Ở các địa bàn không có điều kiện về đất đai thì phải sắp xếp, bố trí cho người dân ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép hoặc chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của địa phương. Đối với các hộ có nhu cầu chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì UBND huyện bố trí kinh phí của huyện để hỗ trợ làm thủ tục. UBND tỉnh yêu cầu hết năm 2024, các địa phương hoàn thành dứt điểm nội dung này.

Vĩnh Phúc bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS. (Trong ảnh: Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ảnh: Kim Ly)
Vĩnh Phúc bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS. (Trong ảnh: Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ảnh: Kim Ly)

“Riêng đối với hỗ trợ đất sản xuất, do tỉnh không còn quỹ đất sản xuất để giao trực tiếp cho hộ đối tượng, vì đã thực hiện việc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, nên tỉnh sẽ thực hiện bằng các hình thức khác thay thế khác là hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn tín dụng ưu đãi. Theo đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành đào tạo nghề cho 515 người có nhu cầu học nghề và 317 hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống”, đại diện Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm. 

Cùng với giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết liệt triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 để tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, thực hiện Dự án 2, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ mỗi xã xây dựng 01 mô hình/dự án chăn nuôi lợn tập trung, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí (tối đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình); hỗ trợ mỗi xã xây dựng 01 mô hình/dự án trồng cây ăn quả, hoặc trồng rau an toàn, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% (tối đa không quá 2 tỷ đồng/mô hình). Đồng thời, tỉnh hỗ trợ mỗi xã từ 01 đến 03 mô hình/dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS từ Chương trình MTQG 1719 là nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi Chiến lược Công tác dân tộc tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2045, Vĩnh Phúc (bao gồm cả vùng đồng bào DTTS và miền núi) là tỉnh phát triển toàn diện, nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức, người dân tỉnh Vĩnh Phúc có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, có nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.