Ngôi nhà của tình thương
Em T.T.H. sinh ra trong gia đình có hai chị em với hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Mẹ H. là mẹ đơn thân, lại mắc bệnh hiểm nghèo, rối loạn thần kinh, mất khả năng lao động. Do đó, trước đây hai chị em H. sống lay lắt, ai cho cái gì thì ăn cái đó. Tuy nhiên, từ năm 2017, được sự giới thiệu của chính quyền, hai chị em H. được Trung tâm Bảo trợ Sao Mai, đóng tại huyện Tam Dương đón vào nuôi dưỡng. Hiện nay, hai chị em H. đã được sống và học tập một cách đầy đủ.
Hai chị em H. chỉ là 2 trong số gần 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được Trung tâm Bảo trợ Sao Mai nuôi dưỡng. Ông Jang Du Young, Trưởng đại diện Tổ chức Pamwf (Hàn Quốc), Tổ chức bảo trợ cho Trung tâm Bảo trợ Sao Mai cho biết, từ năm 2017, Pamwf đã thành lập hai trung tâm là Trung tâm Bảo trợ Sao Mai ở huyện Tam Dương và Trung tâm Hy vọng, đóng tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Cả hai trung tâm này đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật... Hiện cả hai trung tâm đang nuôi dưỡng gần 60 trẻ, trong đó có khoảng 70% trẻ là người DTTS.
Ông Jang Du Young cho biết thêm: “Trẻ em ở hai trung tâm đều có hoàn cảnh rất đáng thương, tất cả đều là trẻ mồ côi. Đến với trung tâm, các em được chăm sóc, yêu thương; được đi học, nuôi dưỡng ước mơ… từ đó, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, cả hai trung tâm đều có đội ngũ nhân viên chuyên trách luôn quan tâm chăm sóc cho các em bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày. Ngoài ra, các trung tâm thường xuyên duy trì các câu lạc bộ bóng đá, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, Guitar, sáo, đọc sách... từ đó giúp các em hòa đồng, mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống.
Bảo đảm công tác chăm sóc trẻ em
Chia sẻ về vấn đề chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Luyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ tính riêng từ 2018 đến nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 8,5%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 12%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học đạt 98%. 100% trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ và trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, hỗ trợ.
Đăc biệt, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm tới trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Theo đó, từ năm 2014, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020. Đến nay tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã nhận chăm sóc và điều trị cho 30 em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho trẻ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ cho trẻ nhiễm HIV/AIDS. Nhằm bảo đảm tất cả trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, các chính sách xã hội theo quy định hiện hành.