Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số vụ xâm hại xảy ra năm 2017 trên cả nước là 1.592 vụ, năm 2018 là 1.547 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 854 vụ xâm hại trẻ em với 985 trẻ em bị xâm hại, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018 , trong đó đối tượng bị xâm hại là trẻ em gái chiếm 78%.
Tại Hội thảo, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua, như: nhận thức về vai trò, vị trí của trẻ em cũng như vai trò trách nhiệm của người lớn, của xã hội đối với bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một số nơi chưa cao; sự phối hợp giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể chưa đồng bộ; các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu; nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ dễ bị tổn thương còn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có một số kiến nghị đối với MTTQ Việt Nam, đó là: tăng cường tuyên truyền pháp luật về trẻ em. Khi xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em, phải kiểm tra, xem xét mức độ vi phạm để có các hình thức xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với các thành viên cùng cấp thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật về trẻ em. Tăng cường thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các công trình vui chơi, giải trí, sinh hoạt hè, hỗ trợ xây nhà trẻ, câu lạc bộ và vận động nguồn lực cho trẻ em vùng khó khăn. Lên tiếng kịp thời với các trường hợp bị bạo hành, xâm hại trẻ em…
HOÀI DƯƠNG