Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vĩnh Phúc: Đa dạng các hình thức truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình

Vân Khánh - 14:49, 24/04/2023

Công tác truyền thông dân số ở tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã thu hút đông đảo các lực lượng trong xã hội tham gia nhờ đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Theo đó, chất lượng dân số của tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tỉnh Vĩnh Phúc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về dân số trong trường học
Tỉnh Vĩnh Phúc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về dân số trong trường học

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Vĩnh Phúc, dân số toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu người, trong đó, 70% dân số sống ở vùng nông thôn. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 25 nghìn người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên, có tới 25 - 40% lao động chưa qua đào tạo, số lao động chưa có việc làm chiếm 4 - 5%.

Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc tham gia thực hiện các chính sách dân số.

Như tại xã Duy Phiên (Tam Dương, Vĩnh Phúc) là điểm sáng trong thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, để nâng cao chất lượng dân số, địa phương, cán bộ, cộng tác viên dân số trên địa bàn xã đã linh hoạt tuyên truyền dưới nhiều hình thức như truyền thông tại Trạm Y tế xã; thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương; lồng ghép nội dung truyền thông dân số trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi bộ của các ban, ngành, đoàn thể; phát tờ rơi, pano, áp phích, tuyên truyền trực tiếp tại nhà văn hóa thôn hoặc gia đình người dân; đưa nội dung thực hiện bình đẳng giới, không sinh con thứ 3 vào hương ước, quy ước tại các thôn, xóm…

Chị Tạ Thị Luyến, cán bộ chuyên trách dân số xã Duy Phiên phấn khởi chia sẻ: “Nhờ linh hoạt các hình thức tuyên truyền, đến nay, nhận thức của người dân về bình đẳng giới ngày càng được nâng cao, xã Duy Phiên là địa phương không xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính".

Được biết, hiện nay 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Phòng DS-KHHGĐ thuộc Trung tâm Y tế huyện; có 136 cán bộ chuyên trách cấp xã phụ trách công tác dân số và gần 2.000 cộng tác viên dân số; 100% thôn, khu dân cư, tổ dân phố có cộng tác viên dân số…

Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số
Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số

Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các trường THCS, THPT; in và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, cuốn sách bỏ túi, pano, áp phích tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh; truyền thông lưu động tại các tuyến đường chính của các huyện, thành phố; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức chiến dịch truyền thông hằng năm hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về giới tính, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phản ánh các hoạt động từ tỉnh tới cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân được tiếp cận với thông tin, chính sách về dân số của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Nhờ đó, thông tin về công tác dân số được lan tỏa, triển khai đồng bộ từ tỉnh tới các huyện, thành phố với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cán bộ y tế, dân số các cấp và cộng đồng dân cư. Nhận thấy kênh truyền thông hiện đại có sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động lớn trong công tác truyền thông, năm 2022 Chi cục DS- KHHGĐ đã xây dựng và tổ chức được 04 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông trên phương tiện truyền thông hiện đại cho 281 cán bộ làm công tác truyền thông dân số của các huyện, thành phố và Trưởng Trạm Y tế, viên chức dân số các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức truyền thông trên phương tiện truyền thông hiện đại cho cán bộ dân số cơ sở nhằm tiếp cận và phát huy thế mạnh của trang mạng xã hội như Fanpage Facebook, Zalo, TikTok, Youtube cho hệ thống cán bộ dân số cơ sở. Kết quả toàn tỉnh đã tham gia 4 cuộc thi và đạt được nhiều giải thưởng, cụ thể: Cuộc thi "Ngành Dân số đồng hành cùng cả nước phòng, chống dịch Covid - 19" đạt 06 giải; Cuộc thi tranh/ảnh vẽ "giữ tay sạch khuẩn hưởng ứng Ngày Vệ sinh tay thế giới" đạt 5 giải thưởng; Cuộc thi chụp ảnh gia đình/quay clip gia đình cùng nhảy thể hiện thông điệp "Gia đình sạch khuẩn - Gắn kết yêu thương" đạt 03 giải khuyến khích; Cuộc thi "Sống chủ động - Cùng viết nên câu chuyện ngày mai", hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26/10/2022 đạt 02 giải khuyến khích.

Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số
Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số

Bà Đại Thị Phương Bắc, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch cho biết, qua các cuộc thi, các thông tin chính thống thiết thực và ý nghĩa về dân số kịp thời được cập nhật hằng ngày, góp phần định hướng và cung cấp nhiều nội dung quan trọng cho công tác truyền thông tại cơ sở, có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác dân số, cung cấp kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến các đối tượng.

Nhờ đa dạng các hình thức truyền thông, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giữ ở mức 1,2%; gần 80% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; hơn 77% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; hơn 90% các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có nhu cầu tránh thai đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại…

Cơ cấu dân số theo độ tuổi đã thay đổi dần theo hướng tích cực, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ dân số phụ thuộc giảm; dân số thành thị tăng trung bình mỗi năm 3-4% dân số, góp phần đưa tỷ lệ dân số thành thị đạt 30%. Đặc biệt, chất lượng dân số tăng đáng kể và Vĩnh Phúc được đánh giá là 1 trong 20 tỉnh, thành phố đạt chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất của cả nước.

Ông Đào Anh Thái, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác dân số và phát triển trong tình hình mới, thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển. Nhằm đạt được mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về dân số và phát triển; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng… để đạt mục tiêu đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...