Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang chuyển biến tích cực

PV - 17:50, 26/06/2018

Theo đoàn khảo sát thực địa của Vụ Truyền thông (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), tại một số địa bàn như Lào Cai, Lai Châu… thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết hiện đang có chiều hướng thay đổi tích cực.

Tình trạng tảo hôn ở miền núi phía Bắc đang chuyển biến tích cực. Tình trạng tảo hôn ở miền núi phía Bắc đang chuyển biến tích cực.

 

Hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS vẫn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như tục, cướp vợ, cưỡng hôn mang tính gả bán, tâm lý sớm có con đàn cháu đống, kết hôn sớm để có thêm người làm nương rẫy, quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản… Ðây là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, sự thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình chưa được cán bộ địa phương chú trọng tuyên truyền. Một số nơi vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội và gia đình trong việc thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình còn mờ nhạt…

Tuy nhiên, mới đây, đoàn khảo sát thực địa của Vụ Truyền thông tại một số địa bàn như Lào Cai, Lai Châu… đã ghi nhận thực trạng này có chiều hướng thay đổi.

Ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện nay, mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được duy trì và mở rộng địa bàn triển khai. Các Câu lạc bộ duy trì được sinh hoạt mỗi quý 1 lần tại 16 xã của 8 huyện trong tỉnh. Qua đó, năm 2017, tại địa bàn triển khai chỉ còn 82 cặp tảo hôn/584 cặp kết hôn (chiếm 14,04%; 2 cặp kết hôn cận huyết thống/584 cặp kết hôn, chiếm 0,34%).

Tại tỉnh Lai Châu, ông Hoàng Hải Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ của tỉnh thông tin: Giai đoạn 2011-2020, ngành dân số đã thực hiện được 48.400 lượt tuyên truyền tư vấn tại hộ gia đình và 2.422 lượt truyền thông về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Năm 2017, ngành dân số đã tập trung duy trì triển khai mô hình can thiệp giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại 37 xã thuộc 7 huyện, trong đó: Huyện Than Uyên 3 xã, Tân Uyên 4 xã, Tam Đường 4 xã, Sìn Hồ 5 xã, Phong Thổ 5 xã, Nậm Nhùn 6 xã, Mường Tè 10 xã. Duy trì hoạt động 37 Tổ thường trực, 41 Câu lạc bộ, truyền thông vận động, tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại cơ sở.

Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh Lai Châu đã thực hiện mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 16 xã và 10 trường phổ thông. Triển khai toàn diện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại 13 xã thuộc 2 huyện Mường Tè, Nậm Nhùn…

Theo ông Hoàng Hải Hưng, ngành dân số đã tích cực phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh Lai Châu lồng ghép tổ chức tại khu dân cư cam kết thực hiện chính sách DS- KHHGĐ, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống; Phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở truyền thông trên loa phát thanh, trong các lớp bồi dưỡng cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, bản… Kết quả, đã can thiệp được 30 trường hợp có ý định và nguy cơ tảo hôn cao. Tổng số cặp kết hôn tại 27 xã là 1.189 cặp, số cặp tảo hôn là 238 cặp (chiếm 20%), kết hôn cận huyết thống là 1 cặp (so với năm 2016, giảm được 3 cặp kết hôn cận huyết thống)”.

Thiên Đức