Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Vĩnh Long: Đồng bào Khmer đón Lễ Sen Đolta an lành, hạnh phúc

Trương Thanh Liêm - 11:10, 25/09/2019

Mỗi năm tới dịp lễ Sen Đolta, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long lại rất vui mừng, phấn khởi chờ đón. Bởi lẽ, từ nhiều năm qua, thông qua các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Vĩnh Long: Đồng bào Khmer đón Lễ Sen Đolta an lành, hạnh phúc

Dàn nhạc ngũ âm trong ngày lễ.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 4.100 hộ người Khmer với trên 23.000 người, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 2% dân số toàn tỉnh. Người Khmer ở Vĩnh Long cư trú chủ yếu tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Minh và Trà Ôn. Những năm qua, từ nguồn lực các chính sách dân tộc như Chương trình 134, 135, QĐ 29/3013/QĐ-TTg… nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo đã được hỗ trợ kịp thời về nhà ở, đất sản xuất, vốn vay ưu đãi... để ổn định cuộc sống vươn lên phát triển kinh tế. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng, bền vững, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, nguồn lực từ các chính sách cũng hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của vùng có đông người dân tộc Khmer, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Điều đáng phấn khởi nhất là sự đoàn kết thống nhất giữa bà con người dân tộc Khmer và các dân tộc khác được thắt chặt, cùng nhau xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Ông Thạch Sung, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn cho biết: “Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, hằng năm chúng tôi bảo nhau tổ chức Lễ Sen Đolta thật an toàn, tươi vui, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa truyền thống của dân tộc. Mấy ngày nay bà con trong ấp vui tươi phấn khởi, còn ở các chùa thì nhộn nhịp ngày đêm. Sư cả còn động viên mọi người sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và đón lễ thật sự tiết kiệm…”.

Một tiết mục văn nghệ nhân lễ Sen Đolta năm 2018.
Một tiết mục văn nghệ nhân lễ Sen Đolta năm 2018.

Chúng tôi đến chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) trong rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm. Tại đây có nhiều diễn viên “không chuyên” đang tập dượt khẩn trương các tiết mục văn nghệ phục vụ người xem. Xung quanh chùa được trang trí rất đẹp, khang trang. Nhiều gia đình đã chuẩn bị các món ăn truyền thống để cúng nhân lễ nhớ ơn tổ tiên.

Vui mừng hơn, đón Lễ Sen Đolta năm nay, nhiều cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng đã bố trí cho người lao động người Khmer về sum họp cùng gia đình. Anh Thạch Sơn, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn vui vẻ nói: “Vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Dương hơn 10 năm rồi. Đây là lần đầu tiên, xí nghiệp cho nghỉ phép nhân Lễ Sen Đolta được 4 ngày kèm theo với quà bánh để cúng kiến ông bà. Vui lắm”…

Để lễ truyền thống diễn ra thật tươi vui, hạnh phúc, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Song song đó cần loại trừ các hình thức mê tín, dị đoan; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh, tập trung xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra sẽ tổ chức các đoàn thăm viếng các chùa, các sư sãi và bà con Khmer tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực.

Lễ Sen Đolta đã về. Niềm vui lớn đang dần lan tỏa trên khắp xóm làng có đông người dân tộc Khmer. Tất cả đang dự báo một mùa lễ hội thật an lành, hạnh phúc.

Năm nay, Lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer Nam bộ diễn ra từ ngày 27 đến 29/9/2019 (tức ngày 29 tháng 8 đến mùng 1 tháng 9 âm lịch). Đây là một trong 3 nghi lễ lớn trong năm. Riêng Lễ Sen Đolta mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố đối với con cháu.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.