Dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề
Ông Hồ Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thực hiện Tiểu dự án 3, thời gian qua bên cạnh việc đào tạo các ngành nghề sơ cấp, Trung tâm cũng luôn chú trọng việc quản lý, tổ chức dạy học văn hóa kết hợp đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp.
Mục tiêu hướng đến là đào tạo nguồn nhân lực có đủ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần vào sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực và cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh cá nhân, nhằm xây dựng xã hội học tập.
Theo ông Hồ Văn Khánh, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, chú trọng định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, lựa chọn vừa học văn hóa vừa học nghề, đặc biệt là các ngành nghề trung cấp. Nhìn chung, các trường THCS quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để trung tâm thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, phân luồng học sinh.
Năm học 2024 - 2025, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu có 207 học viên mới. Hiện tổng số lớp học trung học phổ thông (THPT) hệ giáo dục thường xuyên tại Trung tâm là 12 lớp, với tổng số 472 học viên, tăng 56 học viên so với năm học 2023 - 2024. Trong đó, học trung cấp nghề tiếng Nhật 72 em, trung cấp nghề Điện lạnh 22 em, trung cấp nghề Tin học ứng dụng là 40 em, còn lại 2 ngành Chăn nuôi thú y và Nuôi trồng thủy sản 70 em.
Công tác duy trì sĩ số có sự tiến bộ, số học viên bỏ học năm sau luôn giảm hơn so với năm trước, kết quả thi tốt nghiệp THPT luôn đạt ở mức cao hơn so với kết quả chung của cả tỉnh đối với hệ giáo dục thường xuyên (GDTX).
Trong công tác liên kết đào tạo, các trường liên kết đảm bảo đầu ra giới thiệu việc làm cho học viên sau tốt nghiệp, đặc biệt như nghề nuôi trồng thủy sản, được trường liên kết đảm bảo 100% có việc làm sau tốt nghiệp nếu học viên có nhu cầu.
Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu cho thấy, hằng năm, đơn vị cũng thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh, tư vấn, tuyển sinh số học viên đăng ký học trung cấp nghề tại trung tâm luôn được đảm bảo.
Các ngành nghề đào tạo tại trung tâm phù hợp với nhu cầu xã hội, đặc biệt nhu cầu sử dụng việc làm tại địa phương. Trong năm 2024, Trung tâm đã phối hợp, liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu, duy trì 7 lớp trung cấp nghề: Nuôi trồng thủy sản; Kế toán doanh nghiệp; Chăn nuôi thú y.
Hiện tại, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu có 7 phòng làm việc; 8 phòng dạy văn hóa (đạt chuẩn 6 phòng); 5 phòng học nghề và thực hành; 2 hội trường (đã tận dụng 1 phòng dạy văn hóa); có khu ký túc xá cho học viên học nghề (14 phòng).
Theo ông Hồ Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm, khó khăn nhất hiện nay là, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác dạy và học tại Trung tâm cũng còn nhiều hạn chế, nhiều phòng học chưa đúng quy cách nên việc thu hút, tạo hứng thú cho các em học viên. Tuy nhiên, Trung tâm cũng đang nỗ lực khắc phục, sửa chữa để nâng cao chất lượng giảng dạy. Năm học 2021-2022, Trung tâm được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học mới.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719 cũng giúp Trung tâm nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, từ đó góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Đồng thời, điều này cũng đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, địa phương đã chú trọng việc đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động chất lượng cao gắn với chuyển giao khoa học, công nghệ. Cùng với đó, thị xã Vĩnh Châu cũng xác định, nhiệm vụ quan trọng là giáo dục nghề nghiệp phải gắn chặt chẽ với giải quyết việc làm, với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu, đánh giá: Việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 3, là cơ sở quan trọng giúp thị xã thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực và giảm nghèo bền vững.
"Kỳ vọng các chính sách đã và đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn sẽ tiếp tục là đòn bẩy mở ra cơ hội mới cho nhiều lao động được đào tạo và hỗ trợ việc làm để nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã", ông Trần Trí Vân nói.