Đến hẹn lại ra, tặng quà lính đảo
Mùa biển lặng, đến hẹn lại ra Trường Sa thăm, tặng quà cho quân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Chuyến đi này, Đoàn chúng tôi vượt gần một ngàn hải lý lênh đênh trên biển. Đoàn công tác số 7 do Chuẩn Đô đốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Phạm Văn Quang làm Trưởng đoàn cùng hơn 200 thành viên trên tàu KN390 cập đảo Trường Sa lớn vào lúc mặt trời đứng bóng. Chúng tôi ngoái người qua ô cửa tàu nhìn về thị trấn Trường Sa. Chen lẫn những mái ngói đỏ tươi là bạt ngàn cây xanh chạy quanh triền đảo. Thuyền trưởng tàu KN390 chỉ tay về đảo, nói: “49 năm trước đảo Trường Sa lớn là khói súng và khô cằn. Sau 49 năm là thị trấn sầm uất giữa ngàn khơi. Tất cả đều do bàn tay, trí tuệ của Bộ đội Hải quân Việt Nam gây dựng nên. Cuộc sống của CBCS đầy đủ tiện nghi như ở đất liền. Thông tin cập nhật từ đất liền hằng ngày. Ngồi tại đảo có thể nói chuyện và nhìn thấy người thân, gia đình qua điện thoại thông minh. Đến với Trường Sa là đến với “trái tim biển” của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”.
Tàu KN390 cập đảo, chúng tôi khoác ba lô, túi xách đi nhanh về phía cổng Trường Sa. Tất cả ai cũng hồi hộp… Mỗi lần thăm đảo Trường Sa, bao giờ tàu cũng chở đầy ắp những phần quà từ đất liền gửi tặng CBCS và Nhân dân huyện đảo. Chỉ tính riêng Đoàn công tác số 6 và số 7, CBCS các đảo nổi, đảo chìm đã nhận được hàng trăm tấn hàng, quà các loại, phục vụ đời sống sinh hoạt và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tổng số hàng quà quy đổi ra tiền hàng trăm tỷ đồng.
Hát với nhau nơi đầu ngọn sóng
Trong 6 ngày đêm thăm, tặng quà CBCS đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, hát với nhau nơi đầu sóng ngọn gió là “điểm nhấn” trong chuyến hải trình. Hàng trăm bài thơ tự sáng tác, hàng chục ca khúc mới ra đời ngay trên boong tàu, nhiều bài hát, điệu múa được các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn cho CBCS Trường Sa, Nhà giàn DK1 xem khi tàu cập đảo.
Đến từ Đoàn ca múa Hải quân, ca sĩ trẻ Hoài Thương hòa cùng chiến sĩ đảo Sinh Tồn ngay sau khi xuồng cập đảo. Sân khấu là nền đảo, âm nhạc là đàn ghi ta, chị say sưa hát với tất cả tình yêu dành cho biển đảo: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng, Trường Sa xa lắm em. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển”. Hoài Thương tâm sự: “Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng. Em muốn truyền cảm hứng và tình cảm của đất liền đến các anh chiến sĩ. Qua giọng hát lời ca, em mong các anh thêm yêu đời vững chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống”.
Đáp lại tình cảm đất liền, chiến sĩ Hàn Trung Nhật ở đảo Sinh Tồn cầm tay ca sĩ Hoài Thương mà hát rằng: “Từ ngọn sóng Trường Sa, anh gặp em ở đảo, biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh nơi đảo Sinh Tồn…”.
Khắc sâu lời thề giữ đảo
Trước khi tỏa đi các phân đội thăm, giao lưu, trò chuyện với cán bộ chiến sĩ, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn theo lệnh người chỉ huy trên đường băng để làm lễ chào cờ và lắng nghe 10 lời thề danh dự. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn, Thượng tá Phạm Xuân Trung chia sẻ, 10 lời thề danh dự của quân nhân mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Dù bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Sau 49 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành, quân, dân trên 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa được sống trong hòa bình, ổn định và từng bước thay da đổi thịt. Trường Sa hôm nay không còn bóng quân thù, nhưng quân, dân Trường Sa chưa bao giờ ngơi tay súng. Với khát vọng hòa bình, quân, dân Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.