Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bám đất, bám làng trên miền đất “khát"

Trọng Bảo - 11:58, 26/06/2023

Hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai lâu nay vẫn được biết đến là một vùng đất khắc nghiệt, lượng mưa hàng năm thấp, địa hình chủ yếu là núi đá, rất ít đất canh tác. Dù cái khó, cái khát cứ đeo đẳng, nhưng người dân nơi đây bao đời nay vẫn bám đất, bám làng xây dựng cuộc sống.

Do thiếu nước nên kinh tế-xã hội ở Dìn Chin và Tả Gia Khâu vẫn còn rất nhiều khó khăn
Do thiếu nguồn nước nên kinh tế - xã hội ở xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu vẫn còn rất nhiều khó khăn

Con trẻ cũng biết tiết kiệm nước

Đã thành thông lệ, cứ vào cuối tuần, trước khi về với gia đình thầy và trò Trường PTDT Bán trú tiểu học Tả Gia Khâu lại cùng nhau mang can nhựa đi lấy nước cách trường hơn cây số. Lượng nước lấy về là để phục vụ sinh hoạt cho các em vào tuần học sau. Khó khăn về nước sinh hoạt như vậy, nên không một giọt nước nào ở đây bị sử dụng lãng phí.

“Buổi sáng chúng em dùng nước đánh răng rửa mặt để tưới cây hoa trong khuôn viên của trường. Thầy giáo dặn chúng em phải biết tiết kiệm nước, hai ba bạn dùng chung một chậu nước để vệ sinh buổi sáng”, em Lù Thị Mây Tuyết, học sinh lớp 5A2 chia sẻ.

Thầy giáo Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sống ở vùng khô hạn nên các con đều biết tiết kiệm nước. Cùng với việc học chữ, các con còn học những kỹ năng để thích nghi với cuộc sống ở vùng đất này.

“Nước thầy trò lấy về thì chứa trong các thùng Inox, thùng nhựa và bể bằng bạt nylon… Mỗi ngày tính ra cũng phải dùng hết khoảng 5 khối nước, dù đã rất tiết kiệm. Mùa mưa nước đã hiếm, vào mùa khô hạn thì nước được thầy trò quý như “vàng”. Cũng may là bước vào mùa khô, các con cũng được nghỉ Hè nên cũng đỡ vất vả phần nào”, thầy Ngạn cho biết thêm.

Ngoài việc đi lấy nước về dùng, nhà trường còn dùng đủ mọi công cụ để chứa nước khi trời có mưa. Ví dụ như, các mái nhà đều được trường lắp hệ thống ống thu nước dẫn về bể chứa. Vào mùa khô hạn, giáo viên trong trường thay phiên nhau trực để hứng nước dự trữ phục vụ cho sinh hoạt của các em.

“Vừa rồi, mấy tháng trời không có mưa, các bể chứa của trường đều cạn hết; lực lượng Công an Phòng cháy chữa cháy của tỉnh phải tăng cường xe téc vào chở nước, được gần 100 khối nước, hỗ trợ cho nhà trường”, thầy Ngạn tâm sự.

Mưu sinh trên vùng đất "khát"

Nước sinh hoạt đã hiếm, nên nước phục vụ cho sản xuất lại càng khó hơn. Tuy nhiên, không vì cái khó mà đồng bào nơi đây “đầu hàng” trước thiên nhiên, mà dần thích nghi với sự khắc nghiệt ấy.

Gia đình ông Dế nuôi giống bò vàng địa phương có sức đề kháng, chịu khát tốt hơn các giống bò khác
Gia đình ông Dế chọn nuôi giống bò vàng địa phương vì có sức đề kháng, chịu khát tốt

“Không có nước để trồng cấy thì bà con chuyển sang trồng cây chè, chăn nuôi đại gia súc. Như gia đình tôi bây giờ có 5 con bò tính ra cũng được khoảng gần 200 triệu đồng, nhưng cứ để nuôi sinh sản, khi nào có việc mới bán. Con bò vàng địa phương này sức chịu đựng tốt lắm, nên dù thiếu nước nó vẫn phát triển”, ông Thào Seo Dế ở thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin chia sẻ.

Chủ tịch xã Dìn Chin Ly Seo Dín cho biết: Ở huyện Mường Khương, xã Dìn Chin với xã Tả Gia Khâu từ trước đến nay là vùng đất rất ít mưa, đặc biệt vào mùa khô, các nguồn nước đều bị cạn kiệt nên Nhân dân của các thôn bị thiếu nước. Nhà nước cũng đã đầu tư xây các bể chứa nước, nhưng do ít mưa nên các bể nước cũng chỉ trụ được một thời gian ngắn.

“Để khắc phục tình trạng này, xã đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi; đưa các cây, con chịu hạn tốt vào nuôi trồng. Trong đó, tập trung vào cây chè và chăn nuôi đại gia súc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa ứng phó được với sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên”, ông Dín phân tích.

Nước được bà con sử dụng rất tiết kiệm
Nước được bà con sử dụng rất tiết kiệm

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, nước là một trong những nhu cầu vô cùng quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất của con người. Do vậy,  địa phương cũng đã xác định cần có những giải pháp căn cơ, bền vững để người dân “an cư”. Những năm qua, cùng với các giải pháp về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, huyện Mường Khương chủ động nguồn lực của địa phương và kêu gọi người dân đầu tư các bể chứa nước, các hệ thống đường ống dẫn và các bể chứa nước tập trung từ khoảng 200 - 500 khối. Bố trí các két nước di động để đáp ứng những nhu cầu sử dụng nước trước mắt cho các cơ quan đơn vị trường học và người dân.

Ông Lê Ngọc Dương thông tin: Về lâu dài thì huyện đang đề nghị với tỉnh, xây dựng các hồ treo chứa nước chủ yếu là cấp nước sinh hoạt như mô hình ở tỉnh Hà Giang đã làm từ hàng chục năm nay. Với những công trình cấp nước sạch và thủy lợi tại các xã vùng cao, do mô hình cộng đồng và người dân quản lý chưa tốt, nên còn xảy ra tình trạng người dân tranh chấp nguồn nước, huyện dự tính sẽ chuyển sang mô hình khoán dịch vụ cho những đơn vị có đủ điều kiện, năng lực vận hành các công trình cấp nước sạch có thu phí một phần.

Cũng theo ông Dương, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng, vừa để tạo cảnh quan vừa tạo thảm thực vật, tạo được nguồn sinh thủy, giữ được nguồn nước. Hy vọng, với những giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài, một ngày không xa Dìn Chin và Tả Gia Khâu sẽ giải được cơn khát.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.