Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Viết tiếp vụ việc lấn chiếm ngõ đi chung ở xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội): Nhiều bất thường trong quá trình xử lý

Kiên Minh Hải - 16:05, 28/07/2021

Dù Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo phải xác minh, làm rõ để xử lý dứt điểm, nhưng UBND xã lại thực hiện một cách qua loa; thậm chí có dấu hiệu tìm cách che dấu cho hành vi lấn chiếm,… Đây là thực tế phóng viên ghi nhận được trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc lấn chiếm ngõ đi chung, theo đơn thư của người dân xóm Mới Cửa Vải, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Hiện trạng ngõ đi chung bị lấn chiếm
Hiện trạng ngõ đi chung bị lấn chiếm

Cố tình dây dưa!

Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ra ngày 9/7/2021 đã đăng tải bài viết: “An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội): Chính quyền liệu có thờ ơ trước sai phạm đã rõ?”. Bài viết phản ánh hành vi lấn chiếm ngõ đi chung của gia đình ông Phạm Văn Chính và ông Vũ Văn Kỳ, Vũ Văn Trung ở xóm Mới Cửa Vải, thôn Lại Dụ, xã An Thượng (huyện Hoài Đức)

Sự việc đã được người dân phản ánh từ hơn 5 năm qua; Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức cũng đã có ý kiến chỉ đạo xã xử lý. Trong đó, Huyện ủy có 3 văn bản, gồm: văn bản số 215-PC/HU ngày 5/4/2029; Số 282-PC/HU ngày 5/7/2019 vav văn bản số 295/PC/HU ngày 26/7/2019; trong đó Bí thư Huyện ủy đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, giải quyết đơn thư theo quy định; báo cáo kết quả giải quyết với Thường trực Huyện ủy.

Các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức
Các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức

Đồng thời, UBND huyện Hoài Đức cũng đã ra các văn bản: số 2451/UBND-VP ngày 22/4/2019; số 4730/UBND-VP ngày 13/7/2019; số 5180/UBND-VP ngày 02/8/2019; trong đó, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã An Thượng kiểm tra, báo cáo; giao ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo thực hiện.

Mặc dù đã có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Hoài Đức, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản nào chính thức kết luận về vấn đề này. Và trong quá trình xác minh, phóng viên nhận thấy, UBND xã An Thượng “có ý” kéo dài vụ việc một cách rất khó hiểu.

Điều này được thể hiện qua hàng loạt biên bản hội nghị, biên bản làm việc liên quan đến vấn đề này của chính quyền địa phương. Có thể kể đến như: Biên bản làm việc với ông Vũ Văn Trung trú tại thôn Lại Dụ ngày 31/7/2019; Biên bản làm việc với ông Phạm Văn Chính ngày 15/8/2019; Biên bản làm việc với các nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thôn Lại Dụ liên quan đến việc giao đất cho hộ ông Vũ Văn Trung, Vũ Văn Kỳ, Phạm Văn Chính ngày 01/8/2019;…

Theo các biên bản này thì, chủ trì các hội nghị đều là ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng. Và phần kết luận trong các biên bản làm việc mà phóng viên thu thập được đều "chốt" ở cụm từ: “Tiếp tục giao cán bộ chuyên môn xác minh để trả lời công dân”!?.

Chủ trì hội nghị “ảo”

Trong quá trình xác minh tại cơ sở, tiếp cận chứng cứ, chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu “làm khống” văn bản, tài liệu liên quan. Rõ nhất là Biên bản làm việc giữa UBND xã An Thượng với các hộ dân thôn Lại Dụ về việc đơn thư liên quan đến hai hộ ông Vũ Văn Trung và hộ ông Phạm Văn Chính, ngày 24/7/2019.

Hai Biên bản làm việc cùng ngày 24/9/2019, cùng nội dung nhưng chữ ký khác nhau
Hai Biên bản làm việc cùng ngày 24/9/2019, cùng nội dung nhưng chữ ký khác nhau

Theo nội dung biên bản, về phía UBND xã An Thượng có ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã (chủ trì buổi làm việc); bà Trịnh Minh Tâm, cán bộ địa chính xã; đại diện cho các hộ dân thôn Lại Du có bà Trần Thị Hồng, ông Trần Quang Tuấn, bà Trần Thị Hà, bà Phạm Thị Hoàn.

Nhưng theo khẳng định của các hộ dân tham gia buổi làm việc ngày 24/7/2019, suốt buổi làm việc chỉ có một mình bà Trịnh Minh Tâm, cán bộ địa chính xã, không có vị “chủ tọa” là ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng. Nhưng ngạc nhiên là, sau hội nghị, cầm biên bản trong tay thì người dân lại thấy chữ ký của ông Thắng ở vị trí chủ trì, có dấu xác nhận của UBND xã An Thượng?!.

Một bất thường khác là, trong hội nghị ngày 24/7/2019, bà Trịnh Minh Tâm, cán bộ địa chính xã nêu các nội dung và đề nghị 4 đại diện các hộ dân dự cho ý kiến. Nhưng đến khi lập biên bản, phát hiện nội dung trong biên bản không đúng sự thật nên có 3 người không ký, chỉ có bà Phạm Thị Hoàn, sau đó bà Trịnh Minh Tâm ký.

Xác minh thêm, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển phát hiện, Biên bản làm việc ngày 24/7/2019 có thêm một “bản sao”. “Bản sao” có nội dung như bản chính, nhưng thành phần ký xác nhận lại không giống nhau.

Trụ sở UBND xã An Thượng, huyện Hoài Đức
Trụ sở UBND xã An Thượng, huyện Hoài Đức

Trong đó, một văn bản chỉ có chữ ký của bà Phạm Thị Hoàn, chữ ký và đóng dấu của ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng và bà Trịnh Minh Tâm, cán bộ địa chính xã. Còn văn bản khác lại có thêm dòng chữ sau phần ký tên của bà Phạm Thị Hoàn; trong bản này chỉ có Trịnh Minh Tâm đại diện UBND xã An Thượng ký tên xác nhận.

Để làm rõ những nghi vấn này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã nhiều lần trực tiếp liên hệ làm việc với UBND huyện Hoài Đức, UBND xã An Thượng. Thay vì trả lời, đại diện huyện Hoài Đức lại “đá bóng” về xã An Thượng giải quyết. Còn khi liên hệ với ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Thượng, ông Khánh một mực khẳng định chưa nhận được văn bản chỉ đạo của huyện nên chỉ cung cấp tài liệu còn không làm việc với phóng viên?!.

Trước sự việc này, thiết nghĩ, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ sự việc này. Vốn dĩ, vụ việc rất đơn giản nhưng cách xử lý “lạ lùng” của UBND xã An Thượng đang khiến câu chuyện ngày càng phức tạp, gây bất bình trong dư luận.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.