Trong 5 khu vực địa lý phân chia các thành viên Liên hợp quốc, Nhóm châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (một nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trong tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Chia sẻ ý kiến này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Song, với sự đồng hành của các bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả ở trong và ngoài nước, đã hết sức nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến hành vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, đóng góp quan trọng vào kết quả này.
Với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người - Cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, vốn là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006 và là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR). Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
Các nội dung trên tiếp tục nằm trong các ưu tiên, định hướng cho tiến trình tham gia của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ tới, thể hiện trong văn kiện Cam kết tự nguyện khi ứng cử mà Việt Nam gửi tới Liên hợp quốc theo quy định của Đại hội đồng Liên hợp quốc.