Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam sẵn sàng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ

PV - 10:33, 01/04/2021

Tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Trong lần thứ hai vinh dự giữ cương vị này, Việt Nam sẽ nỗ lực và sẵn sàng tham gia tích cực, chủ động, trên tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình.

Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA về tình hình Palestine-Israel. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN
Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA về tình hình Palestine-Israel. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN

Việt Nam hoàn thành tốt sứ mệnh tại HĐBA LHQ năm 2020

Trước khi lần thứ 2 giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA năm 2020, trong đó có việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020.

Năm 2020, tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội thế giới diễn biến nhanh chóng và khó lường do tác động tiêu cực, đa chiều và nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; xu thế cạnh tranh chiến lược nước lớn, căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latinh, cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đan xen đã tạo ra nhiều khó khăn, trở ngại với hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có HĐBA LHQ.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020. Việt Nam đã tổ chức tốt hai sự kiện điểm nhấn là: Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” (thông qua Tuyên bố Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử HĐBA về chủ đề tuân thủ Hiến chương LHQ) và Phiên họp lần đầu tiên của HĐBA về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN”. Các sự kiện này đã đáp ứng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về tăng cường vai trò của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và đề cao ý nghĩa, hiệu quả của hợp tác đa phương trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức cần chung tay giải quyết. Lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế đã hoan nghênh và đánh giá cao vị thế, vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam.

Thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021

Trong lần thứ hai giữ cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên. Chủ đề đầu tiên là khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững. Đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam, có tác động sâu sắc đối với phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-an toàn cho người dân Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam kỳ vọng sự kiện này sẽ thu hút sự quan tâm của LHQ và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề hậu quả bom mìn ở những nước mà chiến tranh đã chấm dứt từ lâu như Việt Nam. Với sự kiện này, Việt Nam sẽ chủ trì một phiên họp cấp bộ trưởng vào ngày 18/4, với sự tham gia của Tổng thư ký LHQ, đại diện nhóm rà phá bom mìn gồm các thành viên nữ giới của Quảng Trị và diễn viên Daniel Craig sẽ gửi thông điệp bằng video. Daniel Craig là đại sứ đại diện của LHQ trong vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn.

Chủ đề ưu tiên thứ hai là tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột. Đây là sự tiếp nối nỗ lực xuyên suốt của Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ. Với chủ đề này, Việt Nam dự kiến chủ trì một phiên họp cấp bộ trưởng vào ngày 19/4, với sự tham gia của Tổng thư ký LHQ cũng như lãnh đạo của ba tổ chức hàng đầu khu vực gồm ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU).

Chủ đề ưu tiên thứ ba là bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Với chủ đề này, Việt Nam sẽ tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng vào ngày 27/4 với sự tham dự của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo và lãnh đạo tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Đây cũng là những vấn đề cụ thể được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao vừa bảo đảm phù hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam vừa đáp ứng “đúng và trúng” mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chương trình hoạt động trong tháng 4 của HĐBA tương đối bận rộn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề của các khu vực trên thế giới. Để hoàn thành vai trò của mình, Việt Nam sẽ nỗ lực tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, xử lý khác biệt giữa các nước thành viên, cố gắng duy trì đoàn kết, đồng thuận để giải quyết các vấn đề.    

Việt Nam chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 13/1/2020. Ảnh TTXVN
Việt Nam chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 13/1/2020. Ảnh TTXVN

Khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam tại LHQ

Thành tựu của 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh, cùng với những kết quả tích cực đã được ghi nhận trong năm 2020 là cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho HĐBA một cách chủ động, tích cực, nhất là khi giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021.

Năm 2021, tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động trực tiếp đến hoạt động của HĐBA, nhất là nguy cơ đại dịch COVID-19 cũng như cạnh tranh chiến lược nước lớn chưa có dấu hiệu suy giảm. Với tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; đồng thời, cần theo dõi sát tình hình, đề xuất các điều chỉnh chính sách phù hợp trước các diễn biến mới có thể phát sinh.

Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý, cho biết Việt Nam chuẩn bị bước vào tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA với nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn. Một trong những khó khăn hiện nay là rất nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp, đơn cử như vấn đề Myanmar và Triều Tiên, còn nếu nhìn xa hơn, đó là vấn đề của các nước như Yemen và Syria. Chính vì các vấn đề có thể nảy sinh bất cứ lúc nào cho nên các nước trong HĐBA luôn phải sẵn sàng 24/7 để có thể xử lý.

Tuy nhiên, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam cũng có những thuận lợi bởi đã là thành viên HĐBA 15 tháng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn và nhờ vậy hợp tác trong và ngoài HĐBA của Việt Nam cũng trơn tru, hiệu quả hơn. Đặc biệt, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước trong HĐBA nhiệm kỳ này. Gần đây, các nước lớn trong HĐBA đã có những điều chỉnh, cải thiện quan hệ nhất định cho nên đã tạo ra một số thuận lợi cho Việt Nam.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Việt Nam sẽ nỗ lực ghi dấu ấn của mình thông qua các tuyên bố chủ tịch, các nghị quyết mà Việt Nam cùng với các nước trong HĐBA xây dựng và hướng tới. Đại sứ cho biết thêm phái đoàn Việt Nam luôn sẵn sàng các phương án, nhất là những sáng kiến và các vấn đề Việt Nam muốn nhấn mạnh, để thể hiện dấu ấn và đóng góp đậm nét, tích cực trong nhiệm kỳ Chủ tịch tháng 4/2021, kỳ chủ tịch cuối cùng của nhiệm kỳ 2 năm Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.