Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việc thầm lặng của một Cựu chiến binh

Lê Hường - 07:17, 26/08/2021

Gần 20 năm làm quản trang, thay gia đình thân nhân liệt sĩ hàng ngày lo nhang khói, chăm sóc mộ phần cho 500 liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và chia sẻ bao chuyện vui buồn với đồng đội, Cựu chiến binh Phùng Văn Toàn, ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, vì đã đóng góp được chút việc tri ân với đồng đội đã mất.

Cựu chiến binh Phùng Văn Toàn (bên trái) ngày ngày chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông
Cựu chiến binh Phùng Văn Toàn (bên trái) ngày ngày chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông

Giữa tháng 8, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Đắk Nông cũng liên tục ghi nhận các ca mắc, những ổ dịch mới. Tỉnh dồn toàn lực để phòng, chống dịch bệnh. Cựu chiến binh Phùng Văn Toàn vẫn ngày ngày lặng lẽ ở nghĩa trang, thay người thân gia đình các liệt sĩ thắp nhang lên mộ. 

Ông Toàn chia sẻ: “Những năm trước, ngày lễ thương binh, liệt sĩ hay lễ Vu Lan rằm tháng Bảy, rất nhiều gia đình liệt sĩ đến thăm mộ người thân. Nhưng năm nay, dịch bệnh thế này thân nhân liệt sĩ không thể đến thắp hương. Vợ chồng tôi cố gắng dành thêm thời gian sửa soạn mâm lễ, lau dọn các phần mộ sạch sẽ để liệt sĩ cảm thấy ấm lòng”.

Dẫn chúng tôi đi về phía những ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được nhân thân, nằm lặng lẽ giữa Nghĩa trang Liệt sĩ, ông Toàn xúc động nói: “Tôi chỉ mong, một ngày gần nhất những ngôi mộ này có tên tuổi để đồng đội của tôi được về với gia đình. Còn sống ngày nào, tôi vẫn ở đây, canh giấc ngủ cho anh em và chờ người thân của anh em đến đón”.

Ông Toàn nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho đến ngày đất nước thống nhất. Đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra ở phía Bắc, ông lại tiếp tục lên đường phục vụ Tổ quốc. Ông may mắn trở về lành lặn, nhưng nhiều năm vào sinh ra tử trên chiến trường ông nhiều lần chứng kiến đồng đội mình ngã xuống. 

Năm 1992, ông Toàn cùng gia đình rời quê Vĩnh Phúc vào Đắk Nông lập nghiệp. Để tri ân những đồng đội đã mất, ông tình nguyện xin làm quản trang, hàng ngày nhang khói cho liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông.

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, nằm ở vị trí trung tâm của TP. Gia Nghĩa, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, cơ sở vật chất của nghĩa trang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, khang trang và sạch đẹp hơn. Nơi đây 500 liệt sĩ yên nghỉ, trong đó có 200 liệt sĩ chưa xác định được nhân thân, quê quán. 

Những năm qua, ông âm thầm chăm sóc chu đáo cho 200 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được nhân thân, nhiều liệt sĩ quê ở tận Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… đường sá xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc không sắp xếp được thời gian gọi điện nhờ ông chăm sóc, thờ cúng, tổ chức giỗ cho các liệt sĩ.

Một ngôi mộ nhiều liệt sĩ chưa xác định được nhân thân
Một ngôi mộ nhiều liệt sĩ chưa xác định được nhân thân

Anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông chia sẻ: Việc làm của ông Toàn đã tiếp thêm truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ tỉnh Đắk Nông. Hàng năm đến ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước, Tỉnh đoàn lại cử đoàn viên, thanh niên đến nghĩa trang lau dọn, chăm sóc mộ liệt sĩ cũng bác. 

“Từ tấm gương của bác Toàn, Đoàn thanh niên cũng chủ động thường xuyên tới hỗ trợ bác một số công việc quét dọn, vệ sinh, cắm hoa, chỉnh tranh. Đó cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ”, anh Bình nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, Cựu chiến binh Phùng Văn Toàn đã nhiều năm gắn bó với công việc quản trang, ngày nào ông Toàn cũng đều đặn đến đây quét dọn nhà tưởng niệm, chăm sóc cây cảnh, lau chùi các bia mộ và hướng dẫn thân nhân gia đình liệt sĩ khi tới thăm nom. 

Đều đặn mỗi tháng 2 lần, vào mùng 1 và ngày rằm, ông cùng vợ lo nhang khói cho tất cả các phần mộ liệt sĩ. Việc làm của ông luôn có sự đồng hành của vợ và sự đồng tình, ủng hộ của các con. Không chỉ chăm lo nhang khói, lau chùi bia mộ, ngày lễ, ngày Tết ông Toàn cùng vợ làm các mâm lễ để cúng liệt sĩ. 

Với những đóng góp trong công tác chăm sóc, bảo vệ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, năm 2020, ông Toàn là 1 trong 3 cá nhân của tỉnh Đắk Nông được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên dương “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.