90 năm chờ đợi…
Chúng tôi về xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) để xác nhận phản ánh của một hộ dân về việc người thân của họ hy sinh những 90 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Ngồi đối diện chúng tôi bên bàn nước trước hiên nhà, ông Đậu Đình Hoành (sinh năm 1964), trú ở xóm 2, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương thở dài: "Cụ Đậu Đình Cườu nhà tôi hy sinh đến nay đã 90 năm, nhưng mãi vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ!".
Lần giở tập tài liệu mà ông Hoành cung cấp, chúng tôi được biết: Cụ Đậu Cườu tham gia hoạt động cách mạng sớm, là tự vệ đỏ, bị địch bắt giam và xử bắn ở Rào Gang (địa danh trên địa bàn huyện Thanh Chương), hy sinh ngày 8/3/1931.
Chúng tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu, tìm gặp những người có trách nhiệm để “hỏi cho ra nhẽ” vì sao cụ Đậu Cườu bị địch xử bắn cách đây 90 năm, vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ?
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương (giai đoạn 1930 - 2012) của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ghi rõ: “Ngày 6/6/1931, tại cồn Lả, chúng (thực dân Pháp - PV) bắn ông Bùi Thăng (quê ở Thái Bình), ông Đậu Biêng (ở My Sơn), bà Hàn Gia (ở Bích Triều). Ngoài ra, chúng bắt và treo cổ lộn ngược hàng chục cán bộ đảng viên và quần chúng tích cực ở hàng cây phi lao trước cửa đồn Bích Thị, làm cho ông Giản, ông Dương (ở My Sơn) chết. Tiếp đó, chúng bắt giam và tra tấn cực hình làm cho ông Tổng Cườu (Đậu Cườu) và ông Bùi Phương chết tại đồn Đa Cương, Rào Gang”.
Bộ phận Nghiên cứu lịch sử Đảng của Huyện ủy Thanh Chương cũng xác nhận bằng văn bản, rằng: “Ông Đậu Cườu (số thứ tự 4), làng cũ: Cẩm Nang, Thanh Giang, Thanh Chương (Nghệ An), bị bắn chết ??? ở Rào Gang”.
Quan trọng hơn, ngày 6/5/2015, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3352/QĐ-NCC về việc trợ cấp một lần đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đã hy sinh, từ trần. Theo quyết định này, ông Đậu Đình Hoành là thân nhân của ông Đậu Cườu, được hưởng mức trợ cấp một lần, với số tiền 10 triệu đồng.
Sau khi có Quyết định trợ cấp của tỉnh Nghệ An, gia đình ông Đậu Đình Hoành đã nhiều lần làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho cụ Đậu Cườu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Ông Hoành so sánh: Ngoài cụ Đậu Cườu, tại thời điểm bị địch xử bắn cũng có 3 cụ khác (trú cùng địa phương) gồm cụ Bùi Văn Giản, Đậu Phương, Nguyễn Mạnh Hách. Tất cả họ đều đã được công nhận liệt sĩ từ lâu rồi. Còn cụ Cườu nhà tôi, tại sao vẫn không được công nhận liệt sĩ.
Loanh quanh?
Theo công văn số 3029/NCC-CS1 ngày 6/12/2019 của Cục Người có công gửi Sở LĐTB&XH Nghệ An nêu rõ: Hồ sơ ông Đậu Cườu có bản sao y sổ ghi chép “Tổng hợp sử Đảng Thanh Chương 1930 - 1945”, trong đó có ghi nhận ông Đậu Cườu: Làng Cũ, Cẩm Nang, Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An bị bắn chết ở Rào Gang.
Tuy nhiên, việc ghi chép này mang tính chất sổ tay cá nhân, không có cơ quan thẩm định, không được xuất bản hợp pháp. “Do đó, trường hợp ông Đậu Cườu không đủ căn cứ để xác nhận liệt sĩ theo Điều 3, Điều 4, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTB&XH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội”, văn bản của Cục Người có công cho biết.
Trả lời cho UBND xã Thanh Mai, UBND huyện Thanh Chương đã có Công văn số 916 ngày 26/5/2020 về việc đề nghị bổ sung hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với cụ Đậu Cườu. Trong công văn này, UBND huyện Thanh Chương đã viện dẫn kết quả thẩm định hồ sơ của Cục Người có công tại Công văn 569 ngày 5/5/2020, rằng: Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Giang (1930 - 2012) không ghi nhận ông Đậu Cườu là liệt sĩ, chỉ có ghi nhận trường hợp chết của ông Đậu Đình Cườu, nhưng không rõ hành động tham gia cách mạng của ông là gì? Có phải do cách mạng chỉ đạo hay không? Đồng thời, cũng không có cơ sở nào khẳng định ông “Đậu Đình Cườu” là ông Đậu Cườu như địa phương đề nghị. Do đó, chưa đủ cơ sở để xem xét xác nhận liệt sĩ đối với ông Đậu Cườu…”.
Chúng tôi nhận thấy, có một số điểm cần phải thống nhất. Cụ Đậu Cườu bị bắn chết ở Rào Gang là chuyện có thật và được Bộ phận Nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương xác nhận, xác thực trong cuốn “Tổng hợp sử Đảng Thanh Chương 1930 - 1945”. Chắc chắn cuốn sách khi xuất bản đã được biên tập, sưu tầm từ rất nhiều tài liệu, từ lời kể trong nhân dân, được thẩm định kỹ càng, bởi chẳng ai tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Bản thân những người nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương chắc cũng sẽ tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử như nó vốn đã diễn ra.
Về thông tin nói rằng, cụ Đậu Cườu không phải là ông Đậu Đình Cườu, thì theo ý kiến của Bí thư Đảng ủy xã Thanh Giang đã khẳng định: Trong danh sách cán bộ tiền khởi nghĩa của xã có ông Đậu Đình Cườu (Đậu Cườu). Ngoài ông Đậu Đình Cườu nêu trên không có ai khác mang họ tên Đậu Cườu.
Về thông tin nghi vấn cụ Đậu Cườu có phải làm nhiệm vụ cách mạng hay không? Có phải do cách mạng chỉ đạo hay không? Quyết định số 3352/QĐ-NCC của Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã khẳng định, ông Đậu Cườu, có thân nhân là ông Đậu Đình Hoành, là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945, được hưởng mức trợ cấp một lần 10 triệu đồng.
Liên quan đến trường hợp cụ Đậu Cườu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) Nguyễn Văn Chiến thông tin: Theo trả lời của Cục Người có công thì, trường hợp cụ Đậu Cườu chưa đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ. UBND huyện đang tiếp tục đề nghị UBND xã Thanh Mai phối hợp với gia đình cụ Đậu Cườu củng cố, bổ sung hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với cụ Đậu Cườu theo quy định, gửi UBND huyện trình cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định./.