Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vì sao Israel được mệnh danh là “Quốc gia khởi nghiệp”?

Nguyệt Anh (T/h) - 16:31, 11/03/2022

Với dân số chỉ có khoảng 8,5 triệu người nhưng số công ty khởi nghiệp lại nhiều nhất thế giới, khoảng 1 công ty trên 1.400 người, do đó Israel được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”.

Israel được mệnh danh là "Quốc gia khởi nghiệp"
Israel được mệnh danh là "Quốc gia khởi nghiệp"

Sáng tạo là tài nguyên của Israel

Israel có tổng diện tích hơn 22.000 km2, trong đó có ¾ diện tích là sa mạc, ¼ là đồi núi, dân số chỉ khoảng 8,6 triệu người. Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng người Do Thái ở đất nước Israel đã vươn lên, trở thành quốc gia có sự đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Người Israel luôn tự hào khẳng định: “Sáng tạo là tài nguyên của chúng tôi” và Israel là “Quốc gia khởi nghiệp” hàng đầu thế giới!

Theo các chuyên gia Israel, từ cách nay hơn 40 năm, Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo. Trong các bộ của Israel đều có một cơ quan chuyên về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và một chuyên gia trưởng được phân công chịu trách nhiệm về việc phát triển khoa học-công nghệ để thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo.

Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel (thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel) chịu trách nhiệm về chính sách đổi mới, hoạt động vì lợi ích của hệ sinh thái đổi mới nền kinh tế của Israel. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel tư vấn cho các bộ, ủy ban của Chính phủ và Quốc hội về chính sách đổi mới trong nước, đồng thời theo dõi và phân tích những thay đổi đang diễn ra trong môi trường đổi mới ở Israel lẫn các nước trên thế giới.

Để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất, Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel đã thiết kế và vận hành một loạt các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội.

Tầm nhìn của Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel là tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thông qua đổi mới. Tầm nhìn này được chia thành hai mục tiêu có tác động, bổ sung cho nhau: Một là duy trì vị trí của Israel ở vị trí hàng đầu trong quá trình đổi mới trên phạm vi toàn cầu và nâng cao toàn bộ nền kinh tế Israel thông qua đổi mới công nghệ.

Văn hóa “không ngại thất bại” và phản biện

Người Israel ứng xử “có lý có tình” đối với những người dấn thân vào con đường khởi nghiệp sáng tạo. Người Israel quan niệm trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo và ngay cả trong cuộc sống, thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ không phải vì thất bại mà suy sụp, bế tắc. Đó là nét văn hóa độc đáo của người Israel, có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam khi chúng ta coi “thất bại là mẹ thành công”. Văn hóa này có vai trò rất quan trọng trong sự thành công về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của Israel.

Lãnh đạo Công ty Mobileye trình bày về dự án khởi nghiệp sáng tạo đảm bảo an toàn giao thông trị giá 15,3 tỷ USD. (Ảnh: Tô Nguyễn)
Lãnh đạo Công ty Mobileye trình bày về dự án khởi nghiệp sáng tạo đảm bảo an toàn giao thông trị giá 15,3 tỷ USD. (Ảnh: Tô Nguyễn)

Israel có chính sách hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel sẽ cung cấp tiền cho các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có ý tưởng rất hay nhưng gặp khó khăn về tài chính. Có trường hợp Cơ quan Đổi mới Sáng tạo cung cấp các gói đồng tài trợ, cùng bỏ vốn ra, cùng hưởng lợi nhưng luôn cân nhắc kỹ trước khi duyệt cung cấp vốn cho loại dự án này.

Có trường hợp doanh nghiệp được nhà nước cho vay với điều kiện: Nếu sản phẩm được sản xuất thành công thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước Israel 3-5% giá trị sản phẩm. Ngược lại, nếu sản phẩm làm ra gặp thất bại do yếu tố khách quan, hợp lý thì khoản nợ này được xóa. Như vậy, dù doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại nhưng vẫn có cơ hội khởi nghiệp trở lại.

Với văn hóa không sợ thất bại, cộng với việc được nhà nước hỗ trợ hợp lý đã tạo nên bầu không khí đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ ở Israel.

Người Israel không bao giờ chấp nhận chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề, bởi vì cuộc sống có thể thay đổi. Văn hóa của họ là phản biện, phản biện tức là tìm thấy điều hay hơn, phản biện để phát triển. Văn hóa phản biện đối với người Israel mang tính truyền thống. Từ xa xưa, người Israel không bao giờ hài lòng với một giải pháp có sẵn, họ không chấp nhận việc chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề nào đó bởi vì cuộc sống luôn vận động và mọi thứ đều có thể thay đổi. Người Israel thích trao đổi, tranh luận với nhau. Trong nhà trường luôn duy trì nguyên tắc học sinh có quyền hỏi lại thầy cô giáo vì sao và thầy cô sẽ phải giải thích, thuyết phục học sinh chứ không áp đặt. Khi học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy cô giáo sẽ hoan nghênh. Sự tranh luận, phản biện đã thấm vào trẻ em từ khi còn học trong nhà trường đến khi lớn lên, ra trường, đi làm. Điều đó đã giúp cho họ có nhiều sáng tạo, phát minh, đổi mới.

Bồi dưỡng nhân tài và biến thách thức thành thời cơ

Người Do Thái quan niệm một đứa trẻ bình thường nếu được giáo dục tốt thì cũng có thể trở thành người kiệt xuất
Người Do Thái quan niệm một đứa trẻ bình thường nếu được giáo dục tốt thì cũng có thể trở thành người kiệt xuất

Israel chú trọng việc phát hiện kịp thời, chính xác và bồi dưỡng nhân tài tới nơi tới chốn. Những học sinh cấp 3 có năng lực sẽ được phát hiện và trong quá trình tham gia quân đội (tất cả nam, nữ thanh niên của Israel đều phải tham gia quân đội), nhà nước sẽ cho đi học đại học, học cao học, thậm chí là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Thay vì ở trong quân đội 3 năm theo quy định chung, những người xuất sắc có thể ở trong quân đội liên tục 6-9 năm. Với cách làm như vậy, những người có năng lực vừa phục vụ quân đội, vừa nghiên cứu, sáng tạo. Sau thời gian dài phục vụ trong quân ngũ, khi trở về với đời thường thì những người đó đã có năng lực sáng tạo, thậm chí có sáng chế và họ lập các doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh các sáng chế đó.

Muốn thành công lớn phải có tư duy toàn cầu

Mặt khác, người Israel có văn hóa chia sẻ và ý thức về xã hội toàn cầu của họ cũng rất cao. Israel luôn luôn tìm cách phối hợp, hợp tác với các nước khác. Người Israel cũng nhận thức rõ rằng, các sản phẩm sáng tạo của họ chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khi được biến thành sản phẩm có thể tiêu thụ ở nhiều nước, được nhiều người mua. Người Israel luôn suy nghĩ về việc tận dụng thời cơ toàn cầu, khai thác thị trường toàn cầu. Bởi việc mở rộng ra phạm vi toàn cầu sẽ mang lại cho Israel một thị trường rộng lớn hơn rất nhiều so với thị trường nội địa.

Lãnh đạo Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel cũng cho biết, với hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan này thường không đưa ra định hướng đầu tư vào lĩnh vực nào mà tuỳ thuộc vào doanh nghiệp chọn lựa. Nếu ý tưởng độc đáo, dự án có tính khả thi cao sẽ được chính phủ xét cấp vốn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, Cơ quan này sẽ định hướng đầu tư vào một số lĩnh vực cần phát triển, mở rộng. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ ôtô không người lái...

Vượt qua mọi khó khăn, ngày nay nền kinh tế Israel được đánh giá là “rất phát triển”, GDP đầu người đạt gần 40.000 USD. Năm 2013, Israel được xếp thứ 19 trong tổng số 187 quốc gia về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp quốc. Trong những thành công đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Với người Israel, SÁNG TẠO chính là tài nguyên quý giá nhất!


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.