Bài 1: Làng tỷ phú trên cao nguyên
Bên cạnh một bộ phận đồng bào còn có thu nhập dưới mức bình quân chung của cộng đồng 53 DTTS thì cũng có những cộng đồng có thu nhập bình quân khá cao. Ngoài yếu tố tự nhiên thuận lợi thì sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương là yếu tố giúp đồng bào vươn lên khá giả.
Điều ngạc nhiên ở nơi chưa được gọi là giàu
Thôn Kambutte (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) trải rộng trên một dải đồi núi thấp. Dù nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Đơn Dương nhưng ở thôn Kambutte rất khó tìm thấy những căn nhà tạm bợ; tất cả đều kiên cố, khang trang, trong đó có nhiều căn nhà được xây theo kiểu biệt thự. Toàn thôn có 170 hộ (có 4 hộ dân tộc Kinh, còn lại đều là đồng bào dân tộc Cơ ho và dân tộc Chu-ru) thì hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo.
Theo anh K’Bril, Trưởng thôn Kambutte, những hộ nghèo, cận nghèo của thôn không phải nghèo về thu nhập. Ở đây thu nhập bà con thấp nhất cũng khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng, so với tiêu chí nghèo đa chiều thì làm sao nghèo được. Số hộ nghèo, cận nghèo của thôn chẳng qua do bệnh tật hoặc bị thiệt hại do thiên tai thôi.
Anh K’Bril cho biết thêm, thống kê cuối năm 2018, thu nhập bình quân của thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm. Nhưng đó là mức bình quân, còn ở Kambutte có nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; thậm chí có gia đình mỗi năm thu tiền tỷ.
Lấy bố vợ của mình-ông Ya Uông, sinh năm 1960, Người có uy tín của thôn Kambutte làm dẫn chứng, anh K’Bril chia sẻ, bố vợ của anh được xem là một hộ khá của thôn. Ông Ya Uông hiện sở hữu 3 sào đất (3.000m2) trồng rau, 3ha cà phê và nuôi 13 con bò Úc bán thịt.
“Chỉ tính nuôi bò Úc, mua con giống chỉ khoảng 20 triệu đồng/con; sau 2 năm nuôi thì bán được 50-60 triệu đồng/con; 13 con bò của bố tôi chỉ 5 tháng nữa là xuất bán, ước tính cũng thu về gần 700 triệu đồng. Còn 3 sào rau thì thu hoạch quanh năm, mỗi năm một sào cũng cho thu nhập xấp xỉ 300 triệu đồng, chưa tính cà phê”, anh K’Bril nói.
Tính sơ sơ, thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt đã đưa ông Ya Uông vào diện tỷ phú. Nhưng ở Kambutte, ông Ya Uông chưa phải là giàu nhất, và thôn Kambutte cũng không phải là thôn khá nhất của xã Tu Tra; cũng như xã Tu Tra không phải là xã phát triển của huyện Đơn Dương.
Theo ông Ka Sung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương, Tu Tra là xã thuộc diện khó khăn nhất trong 10 xã, thị trấn của huyện. Ở xã Tu Tra đã có thôn Đa Hoa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2018; còn thôn Kambutte cùng với 4 thôn khác của xã này đang phấn đấu đạt vào cuối năm 2020.
“Huyện có 6.148 hộ đồng bào DTTS, chiếm khoảng 31% dân số. Hết năm 2018, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 75 triệu đồng/người/năm. Đến tháng 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của huyện chỉ còn 3,81%. Huyện đang phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025”, ông Ka Sung cho hay.
Đi tìm nguyên nhân
Vì sao đồng bào DTTS ở huyện Đơn Dương có thu nhập khá như vậy? Câu hỏi này không khó để trả lời bởi Đơn Dương là một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trồng rau củ quả. Toàn huyện có 61.135ha đất tự nhiên thì có đến 20.303ha đất nông nghiệp màu mỡ.
Nhưng theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương, có điều kiện tự nhiên thuận lợi mà không lựa chọn được cây trồng phù hợp, không chuyển giao khoa học-kỹ thuật cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thì đồng bào DTTS cũng khó làm giàu.
Đơn Dương được xem là “vựa rau” của cả nước, là thu nhập chính của đại đa số nông dân của huyện. Nhưng trước đây, đồng bào DTTS trên địa bàn vì không có kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao nên thu nhập từ cây rau không cao. Năm 2014, theo chuẩn nghèo cũ (chỉ tính về thu nhập) thì tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của huyện vẫn xấp xỉ 10%; tương ứng trên 614 hộ nghèo, chưa tính tới cận nghèo.
“Từ năm 2014 đến nay, từ các chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình Khuyến nông, Chương trình 135,… huyện đã đầu tư mô hình mẫu, sau đó hỗ trợ giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cùng đầu tư các công trình thủy lợi để bà con phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây rau”, ông Ka Sung cho biết.
Nhờ đó, hiện hầu hết các hộ đồng bào DTTS sản xuất nông nghiệp ở Đơn Dương đã ứng dụng công nghệ vào trồng rau (xây nhà lưới, nhà kính, sử dụng tưới tự động…). Toàn huyện hiện có trên 100ha đất trồng rau ứng dụng công nghệ cao do đồng bào DTTS làm chủ; với giá trị thu nhập bình quân đạt 250-300 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện cũng đã định hướng cho đồng bào DTTS chuyển đổi trên 300ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây củ năng (một loại cây dược liệu) có giá trị kinh tế cao.
Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học-kỹ thuật thì vùng đồng bào DTTS của huyện Đơn Dương cũng được bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng. Toàn huyện có 240 thôn thì hiện đã có 210 thôn có đường giao thông và 91/108km đường nội đồng được cứng hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96%; 10/10 xã thị trấn có chợ kiến cố;… Đây là nền tảng để phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, kỹ năng sản xuất nông nghiệp tiên tiến được cập nhật đã góp phần khai thác tối đa tiềm năng đất đai giúp đồng bào DTTS ở Đơn Dương vươn lên làm giàu. Nhưng quan trọng hơn cả đó là ý chí tự lực vươn lên của đồng bào cùng với chính sách giữ đất sản xuất cho bà con của tỉnh Lâm Đồng. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
TÙNG NGUYÊN