Bắt nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô
Vào khoảng 13h30’, ngày 17/2/2020, trong lúc phối hợp tuần tra trên sông Krông Nô, lực lượng Công an đường thuỷ tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana (Đăk Lăk) phát hiện tàu hút cát mang biển hiệu ĐL0086 của Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, địa chỉ trụ sở tại thôn Quỳnh Ngọc, Ea Na (Krông Ana, Đăk Lăk), đang khai thác cát trái phép.
Qua xác minh, vị trí mà tàu ĐL0086 khai thác cát trái phép thuộc địa phận xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông ) nên lực lượng chức năng tỉnh Đăk Lăk đã liên hệ với Công an huyện Krông Nô để bàn giao phương tiện, tang vật và 2 người đàn ông trực tiếp điều khiển tàu để xử lý theo quy định.
Khoảng 1 tháng sau, vào lúc 5h35 phút ngày 19/3/2020, Công an tỉnh Đăk Lăk phối hợp lực lượng chức năng phát hiện 3 tàu (đều của HTX Đoàn Kết) đang hút cát trên sông Krông Nô thuộc địa phận thôn Buôn Choah, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Đây là khu vực chưa được cấp phép khai thác cát.
Trước đó, vào khoảng 4 giờ sáng 25/9/2019, lực lượng Cảnh sát Giao thông (PC08) Công an tỉnh Đăk Nông phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức bắt quả tang 4 tàu hút cát đang hoạt động tại sông Krông Nô, đoạn qua thôn Cao Sơn, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô; 3/4 tàu bị bắt là của HTX Đoàn Kết.
Cụ thể, các tàu vi phạm của HTX Đoàn Kết gồm: tàu Đoàn Kết - ĐL 0099 do ông Trần Văn Quyết điều khiển; tàu Đoàn Kết 07 - ĐL 0086, do ông Trần Văn Hoàn, điều khiển; tàu Đoàn Kết 10 - ĐL 0095 (chưa rõ người điều khiển). Tàu vi phạm còn lại là của Công ty Tây Nguyên 04, do ông Nguyễn Đức Thuận, điều khiển. Những người lái tàu trên đều trú tại tỉnh Đăk Lăk. Tang vật được cơ quan chức năng thu giữ và lập biên bản là 115,6m3 cát.
“Điệp khúc” xử phạt rồi thả tàu
Do các vụ việc này vi phạm trên địa phận tỉnh Đăk Nông nên lực lượng chức năng tỉnh Đăk Lăk đã bàn giao lại cho UBND huyện Krông Nô xử lý theo thẩm quyền. Nhưng việc xử lý vi phạm đối với các đơn vị vi phạm chỉ như “đánh trống bỏ dùi” bởi chưa đầy 1 năm, HTX Đoàn Kết liên tục có nhiều phương tiện bị bắt giữ vì hút cát trái phép.
Cụ thể, với 4 tàu cát lậu bị cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông bắt giữ vào ngày 25/9/2019, chỉ 1 ngày sau đó (ngày 26/9/2019), ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đã ký Báo cáo số 422/BC-UBND gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, kiến nghị cho phép 4 tàu hút cát đổ toàn bộ tang vật là 115,6m3 cát xuống sông và bàn giao tàu lại cho chủ phương tiện.
Trong khi đó, theo Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đối với hành vi của 4 tàu cát này, ngoài bị phạt tiền thì còn bị tạm giữ phương tiện. Cụ thể, Điều 4 của Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.
Trao đổi với phóng viên, người dân địa phương rất bất bình với cách xử lý vi phạm của UBND huyện Krông Nô. Ông Đ.V. G (ngụ ở huyện Krông Nô) cho rằng, việc UBND huyện Krông Nô liên tục thả tàu khai thác cát trái phép như thế sẽ khiến các đối tượng khai thác cát trái phép “nhờn” luật.
“Lẽ ra, sau khi nhận bàn giao từ cơ quan chức năng, UBND huyện Krông Nô phải xem lại thật cụ thể việc vi phạm của tàu cát này rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng và hình thức xử lý phải có tính răn đe thiết thực chứ phạt như thế này thì tình hình khai thác cát trái phép sẽ còn tiếp diễn”, ông G. chia sẻ.
“Phớt lờ” khắc phục bờ sông!
Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng với hình thức xử lý hành chính (phạt tiền), trong Báo cáo số 422/BC-UBND ngày 26/9/2019, UBND huyện Krông Nô cũng yêu cầu các chủ tàu (HTX Đoàn Kết và Công ty Tây Nguyên 04) phải có biện pháp phục hồi, cải tạo môi trường đã khai thác; đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Tuy nhiên, yêu cầu này đang bị đơn vị vi phạm phớt lờ.
Phóng viên đã vào hiện trường sông Krông Nô, đoạn qua thôn Cao Sơn xã Buôn Choah, nơi mà 4 tàu cát lậu bị bắt giữ ngày 25/9/2019 để “mục sở thị”. Gần một năm trôi qua, hiện trường vẫn là một khúc sông rộng lớn bị khoét thẳng vào bờ thành một khoảng trống mênh mông và chưa có ai tác động vào từ khi các quyết định xử phạt ban ra bắt khắc phục hiện trạng ban đầu.
Anh Nguyễn Văn A., người dân ở xã Buôn Choah cho biết, “Đất của người dân thì bị sạt lở, chính quyền cũng làm ngơ, cát tặc có bị bắt thì sau đó cũng được thả nên người dân rất lo lắng”- anh A. cho hay.
Rõ ràng, việc các đơn vị vi phạm khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Nô “phớt lờ” yêu cầu khắc phục bờ sông để đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn đã minh chứng cho sự “nhờn” luật ở nơi đây. Tình trạng này có lẽ là hâu quả của cách xử lý “bắt rồi thả” của chính quyền địa phương? Câu hỏi này xin gửi tới UBND huyện Krông Nô, cũng như UBND tỉnh Đăk Nông.