Nhưng những con số đẹp ấy chỉ mới là bề nổi sau một năm ngành đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn. Còn phần chìm, vẫn như lâu nay, là một bức tranh còn ngổn ngang nhiều mảng màu sáng tối lẫn lộn. Mảng màu sáng thì ai cũng rõ, còn mảng màu tối là những nỗi day dứt: Vì sao nhiều vùng quê, không ít gia đình nhà nông vất vả quanh năm mà vẫn nghèo?
Vì sao nhiều vùng quê, nông dân không mặn mà với đồng ruộng, chăn nuôi?
Vì sao nhà nông từ cấy lúa, trồng cây trái, nuôi tôm, nuôi cá vẫn mãi “tự bơi”? Vì sao đầu tư cho nông nghiệp còn ít?
Vì sao công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa đi vào chiều sâu để gia tăng giá trị? Vì sao…?
Còn vô số những câu hỏi “vì sao” liên quan đến “tam nông” mà chúng ta vẫn đau đáu đi tìm lời giải. Cũng bởi thế, thành tựu đạt được trong năm qua là đáng ghi nhận. Nhưng niềm vui chưa thể trọn vẹn khi mà còn đầy những câu hỏi “vì sao”.
Rõ ràng, luận bàn để phát triển “tam nông” là không ít; nhưng chiến lược bài bản xa dài để nhà nông vượt lên trong cơ chế thị trường đi vào hội nhập vẫn còn đó những ngổn ngang. Chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều, nhưng vẫn chưa đủ sức để cho kinh tế nông nghiệp tăng trưởng. Ai hay, nói, họp bàn nhiều nhưng những việc làm thực sự cho nông dân còn quá ít.
Chính vì thế, ngành nông nghiệp chớ vội lạc quan. Hãy bớt họp hành, hội thảo để đến với thực tế, về với nhà nông xem họ cần gì? Phải nghĩ ra chiến lược để người quê sống ổn định, sống khỏe ngay trên đất quê hương. Phải có kế sách xa dài cho một bộ phận không nhỏ nông dân, ngư dân, diêm dân… vùng núi phía Bắc, vùng ven biển miền Trung thiên tai, lũ lụt năm nào cũng phải gánh chịu đủ bộn bề khó khăn.
Tất nhiên, để giải đáp được những câu hỏi của ngành nông nghiệp thì cần các bộ, ngành cùng chung tay vào cuộc. Nhưng trước hết, trên hết, ngành nông nghiệp là chỗ để người nông dân nhìn vào.
SỸ HÀO