Khi đặt bút cho những dòng đầu tiên của bài viết này, trong tôi đã liên tưởng đến bao điều tốt đẹp về những người lính quả cảm, kiên trung. Thực ra, không phải người viết phóng đại hay quá lời, mà vốn dĩ, hình ảnh người lính Cụ Hồ trong bao hoàn cảnh thì đã là như vậy.
Người lính Cụ Hồ là ai, đội quân ấy đến từ đâu? Chẳng đâu khác, mà chính là từ Nhân dân. Chính xuất phát điểm từ Nhân dân đã khiến cho những người lính trở nên gần gũi, thân quen; “quân với dân như cá với nước” là vì thế. Người lính “từ nhân dân mà ra” thì “vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà hy sinh” cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ, khẩu hiệu “quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã là chân lý vững bền nhất suốt bao năm qua. Hơn hết, còn được minh chứng rõ ràng, chắc chắn bằng những năm tháng khói lửa binh đao, trong thời bình dựng xây và bảo vệ đất nước, trong những lúc thiên tai, dịch giã hoành hành…
Lịch sử 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là chừng ấy năm tháng kiêu hãnh, tự hào của những người lính. Dù ở vị trí nào, trong hoàn cảnh nào… các anh cũng đều quên mình chiến đấu, lặng thầm hy sinh, dâng hiến tuổi xuân xanh vì sự bình yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Dẫu sự dâng hiến tuổi xanh có biết bao nhọc nhằn gian khổ; dẫu sự thầm lặng hy sinh là những mất mát lớn lao không gì kể xiết…
Bao cuộc chiến vệ quốc đã đi qua trên dải đất Việt Nam, nhưng thử hỏi, đã có người lính nào lùi bước trước quân thù. Những năm tháng hòa bình dựng xây đất nước đầy gian khổ, nhưng thử hỏi, đã có người lính nào không nhận về mình phần gian khổ nơi hải đảo xa xôi, hay biên cương mịt mờ sương lạnh. Rồi trong những thời khắc dịch giã hoành hành, hiểm nguy rình rập tứ bề, thử hỏi, đã có người lính nào chùn lòng trước "kẻ thù vô hình” SARS-Cov-2…
Sự hy sinh quên mình của người lính trong chiến trận, những lặng thầm cống hiến tuổi thanh xuân của người lính trong thời bình lặng im tiếng súng, chính là niềm kiêu hãnh, là quá đỗi tự hào, là sứ mệnh thiêng liêng đối với Tổ quốc, dân tộc và Nhân dân. Dù người lính thời chiến hay trong hòa bình… thì khi đã khoác lên mình màu áo quân nhân, họ đều mang trái tim “Bộ đội Cụ Hồ”. Dù phải hy sinh đến tính mạng, dù gian lao nhọc nhằn, vất vả; trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào thì cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là nghĩa lớn và cũng chính là sự khác biệt của giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với bất kỳ đội quân đội nào khác.
Trong suốt bề dày 77 năm qua, đã có biết bao tấm gương quả cảm, kiên trung, quên mình hy sinh vì nhiệm vụ của người lính. Nếu như thời chiến, những mất mát, hy sinh đã tô thắm thêm cờ đào để mỗi sáng thức dậy, lá quốc kỳ phần phật tung bay trong nắng gió đầy tự tôn, tự hào. Thì giữa thời bình, máu đào các anh vẫn đổ vì thiên tai, dịch giã, chính là vì công cuộc dựng xây nước Việt hùng cường. Những hy sinh cao cả ấy của người lính chính là cội nguồn sức mạnh, là dòng chảy bất tử của lịch sử linh thiêng, là bài ca giữ nước mãi vang vọng đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc Việt Nam qua bao năm tháng.
Người lính, từ bao đời nay, hành trang vẫn chỉ giản đơn là “một ba lô, cây súng trên vai”… nhưng người chiến sĩ ấy đã tự nhận về mình “quen với gian lao” để canh giữ tuyến đầu, bảo vệ biên cương, xông pha nơi gian khó… Cứ thế, lớp cha trước, lớp con sau… để rồi, không khó để tìm và bắt gặp một hình ảnh người lính quên mình vì nghĩa lớn; sáng ngời tấm gương hy sinh, xả thân vì đất nước, nhân dân.
Chưa nói đến quá khứ xa xôi khi cả dân tộc rền vang tiếng súng chống ngoại bang, mà chỉ nhìn trong mấy năm trở lại đây, khi đất nước trải qua bao đợt thiên tai, dịch giã. Trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của dịch bệnh, của thiên tai đã ngời sáng lên hình ảnh người lính Cụ Hồ. Họ luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, biến mình thành “lá chắn thép” trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Từ trong chiến tranh, từ trong thiên tai, dịch giã… ở “mặt trận” nào cũng ghi đậm dấu chân vững chắc, lòng quả cảm, tâm thế xả thân anh dũng của người lính Cụ Hồ. Cũng bởi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đã trui rèn bản lĩnh, trung dũng, hiên ngang; để mỗi công dân khi khoác lên mình màu xanh áo lính đã không sá gì gian khổ, hiểm nguy để cho đất nước được trường tồn.