Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về vùng đất nghệ thuật lân sư rồng Chợ Lớn: Khám phá loại hình văn hóa đặc sắc (Bài 1)

Lê Thuận - 18:03, 03/03/2022

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Hoa, linh vật lân sư rồng mang tính huyền thoại, trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường, đem đến sự phát đạt và hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống. Chính vì vậy câu nói “nơi nào có người Hoa là có múa lân sư rồng”, được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn xưa và TP. Hồ Chí Minh nay. Vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa được xem là cái nôi của nghệ thuật múa lân sư rồng của Việt Nam.

Các đoàn lân đang biểu diễn múa rồng thể hiện sức mạnh oai phong của rồng
Các đoàn lân đang biểu diễn múa rồng thể hiện sức mạnh oai phong của rồng

Múa lân sư rồng biểu tượng may mắn, thịnh vượng 

Ông Triệu Dĩ Tài, Trưởng đoàn lân sư rồng Tinh Anh Đường ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Người Hoa quan niệm, múa lân sư rồng mang tính tâm linh nhằm xua tan mọi xui rủi năm cũ, mang lại may mắn cho năm mới. Điều đó giúp gia chủ đạt được mong ước tài lộc thịnh vượng”.

Vì vậy, cho đến tận ngày nay, nhất là vào dịp Tết kéo dài đến hết tháng Giêng, các đoàn lân sư rồng  tại TP. Hồ Chí Minh luôn tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị phục vụ cho mùa khai trương, mừng năm mới. Năm qua, mặc dù dịch bệnh hoành hành, kinh tế khó khăn hơn, nhưng tại các buổi lễ khai trương, động thổ, lễ hội… các doanh nghiệp vẫn mời các đoàn múa lân, múa rồng đến biểu diễn.

Một màn múa sư tử rất dũng mãnh
Một màn múa sư tử rất dũng mãnh

“Múa lân sư rồng ở vùng Chợ Lớn có từ hàng trăm năm nay. Đó không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật, mà còn đem đến điềm lành, bình an cho chủ doanh nghiệp. Vì vậy, ngoại hình của những con lân luôn được chăm chút tỷ mỉ, trang phục, màu sắc bắt mắt, kỹ thuật tạo hình điêu luyện, tạo nên thần thái của đầu lân. Các nghệ nhân biểu diễn sẽ tạo ra những tuyệt kỹ công phu, đưa nghệ thuật múa lân sư rồng đạt trọn vẹn các cảm xúc của người xem”, ông Lưu Kiếm Xương, Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường chia sẻ.

Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh có tới hàng chục đoàn múa lân sư rồng được thành lập. Ngoài phục vụ lễ, Tết thì các đoàn thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn để so tài với nhau. Các đội lân có thể biểu diễn kết hợp giữa múa lân, với múa sư, hoặc múa lân với múa rồng, hay múa kết hợp cả ba loại hình với nhau.

Múa lân sư rồng theo truyền thống hay hiện đại thường kèm theo tiếng trống, tiếng thanh loa, chập chõa tạo hiệu ứng, nhịp nhàng, uyển chuyển thu hút người xem. Người đánh trống cũng phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như: Chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tuột xuống, tiết tấu lúc chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, từ đó mới có thể lột tả hết sự oai phong, hùng dũng của lân sư rồng.

Kỹ nghệ tạo hình kỳ công

Một trong những điều góp phần làm nên môn nghệ thuật múa lân sư rồng, phải nói đến kỹ nghệ tạo hình kỳ công về những linh vật trên. Theo Nghệ nhân Lâm Văn Ky, người có hàng chục năm làm nghề chế tác đầu lân sư rồng ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh, để làm ra một đầu lân, hay sư phải mất hàng tháng. Hai khâu quan trọng nhất của quy trình này là, vẽ và bẻ khung, tạo hình từ những đốt tre trúc được vót tỉa, uốn ghép nhưng thể hiện đầy đủ được nét thần sắc oai vệ, phong tráng, hùng tướng… của những con linh thú trong bộ môn nghệ thuật lân sư rồng.

Sau khi khai quang điểm nhãn, người múa lân chào mừng rất ấn tượng
Sau khi khai quang điểm nhãn, người múa lân chào mừng rất ấn tượng

“Nghề làm đầu lân sư rồng với người Hoa là một di sản, một bí truyền, bởi thợ nghề đẳng cấp mới duy trì được”, ông Ky cho biết thêm.

Do vậy, đầu lân sư khi hoàn thiện ngoài vẻ đẹp tạo hình bắt mắt, thần sắc, miệng dữ mà tươi, thì trọng lượng theo kích thước chuẩn, nhẹ, bền chắc, chịu được va đập để các môn sinh có thể thi triển bài diễn độ khó của môn nghệ thuật này.

Múa rồng của người Hoa xuất hiện muộn hơn múa lân và múa sư. Rồng là một linh vật tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý, nên hình tượng của rồng được xây dựng ở ngai vàng, cung điện, lăng tẩm, dinh phủ, đình, chùa và những nơi thờ phụng tôn nghiêm. Rồng còn tượng trưng cho đổi mới vươn lên, phồn vinh, thịnh vượng, nên những nước đang phát triển được ngợi ca là “hóa rồng”.

Ở Việt Nam, rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho Nhân dân. Đối với Nhân dân Việt Nam, những người tự hào mình là con rồng, cháu tiên, thì rồng còn hình ảnh cội nguồn của dân tộc.

Múa rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa; rồng tròn được làm bằng giấy cứng, rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không biểu diễn. Múa lân hoặc sư chỉ cần hai người, nhưng múa rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa rồng cần phải có 6 đến hơn 20 người để điều khiển, để phô diễn sức mạnh thần oai của rồng.

Một nhân vật không thể thiếu trong bài múa chính là ông Địa (được xem là hiện thân của Đức Phật Di Lặc), mặc áo dài, tay cầm quạt phe phẩy, xoa đầu lân, sư tạo nhịp cho múa lân. Ông Địa đi đến đâu khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười hiền lành nhằm mang phúc lộc đến cho nơi đó. Bởi người Hoa quan niệm, dùng lân múa có thể xua đuổi được tà ma, còn ông Địa sẽ mang điềm lành đến cho nhân gian.

Tất cả những điều ấy trở thành môn nghệ thuật đỉnh cao, đậm tính truyền thống trong đời sống văn hóa tâm linh của người Hoa Chợ Lớn.

 Nghề múa lân sư rồng vẫn còn những tuyệt kỹ, công phu mang tính bí truyền sẽ được chúng tôi đặc tả trong kỳ tiếp theo...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.