Đáp lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã thi đua lao động sản xuất, đánh giặc, giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt trận. Sau 4 năm phát động phong trào thi đua, năm 1952, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vinh dự là nơi tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tên gọi lần đầu là “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất”) ở xã Hợp Thành.
Ngày 30/4/1952, Đại hội khai mạc tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân, xã Hợp thành. Tham dự đại hội có 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trao thi đua trong cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến dự.
Tại đây, 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã được bầu chọn, gồm 3 Anh hùng Lao động là: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu. Tham dự đại hội còn có đồng chí Xi-Hon và đồng chí Nu Hắc đại diện cho nước bạn Lào.
Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Người kêu gọi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Người người thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng; Địch nhất định thua”.
Ông Nguyễn Nhẫn, ở xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, năm nay mặc dù đã 81 tuổi, nhưng vẫn nhớ rõ, từ hình ảnh hào hùng khi được gặp Bác Hồ, gặp các anh hùng của đất nước.
“Không riêng tôi, tất cả mọi người đều có trách nhiệm lấy gương các chiến sỹ thi đua 1952 để nói chuyện lại với bà con anh em, với các đồng chí lãnh đạo của xã. Truyền đạt cho con cháu ghi nhớ ý nghĩa lịch sử đảng bộ nhân dân xã mình”-ông Nguyễn Nhẫn nói.
Tự hào là vùng đất chiến khu cách mạng, nơi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất, đảng bộ và nhân dân xã Khuôn Lân ra sức thi đua xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp hơn, phấn đấu từ một xã nghèo đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Hải Hồ, Chủ tịch UBND xã Khuôn Lân cho biết: “Trước kia, thu nhập người dân khoảng 26 triệu đồng/ người/năm. Phấn đấu đạt nông thôn mới thu nhập người dân đạt trên 30 triệu đồng/ người/ năm. Thi đua ở xã chỉ là trồng lúa, chăn nuôi…”
Huyện Phú Lương là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội đến nay trong số 13 xã ở Phú Lương 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện Phú Lương có diện tích chè trên 4 nghìn ha, đứng thứ hai ở tỉnh Thái Nguyên, tại đây đã hình thành các tổ chức liên kết sản xuất chè, từng bước khẳng định thương hiệu chè Phú Lương trên thị trường nhằm phát triển kinh tế, xã hội mang tính bền vững.
Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương nói: Phát triển tốt kinh tế địa phương chính là thực hiện thi đua yêu nước.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thu hút dự án đầu tư, tuyên truyền phát triển hỗ trợ định hướng cho bà con phát triển chè sạch chè hữu cơ. Cùng với đó là phát triển rừng gỗ lớn, cây thảo dược”- ông Hoàng Duy Hưng chia sẻ.
Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã có hàng chục phong trào thi đua như: Vững tay cày, chắc tay súng (1961), Thi đua sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ (1957); Phong trào phụ nữ 5 năm tốt (1964); Phong trào Ba đảm đang (1965); Phong trào cờ 3 nhất; Thanh niên 3 sẵn sàng,v.v..."
“Thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói- Diệt giặc dốt- Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là- dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân.”
Lời kêu gọi của thi đua yêu nước của Bác Hồ kính yêu rất dung dị, mà cụ thể mang đầy ý nghĩa, sâu sắc cho chúng ta học tập, noi theo. Cho tới bây giờ, tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, dẫn bước cho nhiều thế hệ người lao động hăng hái thi đua, dựng xây Tổ quốc./.
THEO VOV