Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về nơi “Cổng trời Đông Giang”: Sắc mới trên huyện nghèo (Bài 1)

T.Nhân-H.Trường - 08:28, 03/07/2024

Đông Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, với hơn 70% là người đồng bào DTTS. Từ một huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Nam, nhưng nay Đông Giang đã thay da, đổi thịt, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Kết quả này có được từ sự quyết tâm của địa phương, đồng lòng của Nhân dân trong việc triển khai các phong trào thi đua, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nổi bật là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tập trung đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất

Huyện Đông Giang nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, có địa hình khá phức tạp và hiểm trở với nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, sông suối ngăn cách, thung lũng vừa hẹp, vừa sâu, nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nơi vùng đất Cổng trời Đông Giang này cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển kinh tế-xã hội nếu đi đúng hướng.

Theo đó, với quyết tâm đưa huyện ngày càng phát triển, huyện Đông Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng đất, con người nơi đây. Hôm nay trở lại Đông Giang, ấn tượng đầu tiên là, hệ thống giao thông được xây dựng khá đồng bộ và thuận tiện, kết nối tới tất cả các xã trong huyện. Trên các nẻo đường, xe cộ tấp nập chở đầy sắn, ngô, khoai... Những ngôi nhà kiên cố, chợ và hàng quán san sát dọc hai bên đường đã minh chứng cho sự "thay da, đổi thịt" của vùng đất khó.

Huyện Đông Giang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Huyện Đông Giang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Ông Avô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Kết quả này là từ sự quyết tâm của địa phương, đồng lòng của Nhân dân trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó nổi bật là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện xác định đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt, vì thế, huyện đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, các công trình thúc đẩy phát triển kinh tế, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh.

 Theo đó, đến nay, kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện Đông Giang được đầu tư tương đối đồng bộ, với 100% số thôn có đường giao thông thuận lợi; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt tập trung; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất...

“Diện mạo cảnh quan, môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, giao thông đi lại thuận lợi, con em học tập trong các ngôi trường mới khang trang, người dân hăng say lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên”, ông Avô Tô Phương phấn khởi cho hay.

Cũng theo ông Phương, để Chương trình xây dựng NTM có hiệu quả, huyện đã triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Đối với các xã không nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM  giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tổ dân cư NTM, thôn NTM kiểu mẫu làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn các xã.

Nhiều công trình được đầu tư để phục vụ đời sống người dân
Nhiều công trình được đầu tư để phục vụ đời sống người dân

Đặc biệt, địa phương rất quan tâm tới  lĩnh vực phát triển sản xuất, với việc xây dựng có hiệu quả các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện đã tập trung ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm như: ớt A Riêu, chè dây, chè xanh, chuối mốc, chăn nuôi heo địa phương... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện mức sống cho người dân.

Hiện nay, Đông Giang có các mô hình sản xuất tập trung như: trồng chuối ở xã Jơ Ngây, sông Kôn, A Ting; trồng ớt A Riêu ở xã Mà Cooih; trồng chè dây ZaReh xen các loại cây ăn quả tại xã Ba, xã Tư; trồng cây bòn bon bản địa tại xã Kà Dăng, Mà Cooih và Jơ Ngây; trồng chanh tứ quý tại xã Jơ ngây; trồng cam, bưởi da xanh tại xã Ba; mô hình nuôi heo bản địa…Nhiều mô hình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ gia đình.

Ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng

Đông Giang được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh sắc núi non tươi đẹp, ai đã một lần đến với “Cổng trời Đông Giang”, sẽ rất ấn tượng với những đỉnh núi cao vời vợi và thác suối, hang động phong phú đẹp như tranh. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư đúng mức nên du lịch ở miền đất này chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng.

Khu Du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tạo nên điểm nhấn du lịch cho huyện miền núi
Khu Du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tạo nên điểm nhấn du lịch cho huyện miền núi

Cho tới khi Khu Du lịch sinh thái "Cổng trời Đông Giang" chính thức đưa vào vận hành đón khách vào tháng 4/2022, lượt khách ước tính đạt hơn 42.000 lượt người, ghi nhận sự quyết tâm làm du lịch bài bản của một khu du lịch trọng điểm có quy mô lớn nhất ở miền núi Quảng Nam.

Đến nay, sau 2 năm đón khách, “Cổng trời Đông Giang” đã trở thành một điểm đến mới hút khách với nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa bản địa, góp phần khắc phục các yếu điểm tồn tại trước đây. Ước tính, giai đoạn 2022 - 2024, khu du lịch này đã đón hơn 120 nghìn lượt khách.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sự góp mặt của Khu Du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang với ý nghĩa tiên phong, đánh thức tiềm năng và nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch miền núi, góp phần thúc đẩy du lịch miền núi Quảng Nam trong thời gian đến.

Hiện nay, đồng bào các DTTS ở Đông Giang còn lưu giữ những nếp nhà gươl đơn sơ, mộc mạc, những nét văn hóa truyền thống từ lễ hội, những làn điệu dân ca, điệu múa tung tung, da dá... rất thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng. 

 Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Đông Giang không chỉ hấp dẫn, thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, Đông Giang còn là “điểm hẹn” cho du khách trải nghiệm, thông qua các tour khám phá đời sống thường ngày của người dân và thưởng thức các món ăn truyền thống dân dã, như bánh sừng trâu, cơm lam, thịt nướng ống, rượu cần, rượu tà vạt…

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Đông Giang còn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của đồng bào DTTS, thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Đông Giang còn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của đồng bào DTTS, thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng

“Những năm qua, chúng tôi tập trung xây dựng, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với sự tham gia phục vụ của người dân địa phương. Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang; Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung (xã Mà Cooih).

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có đủ khả năng nguồn lực vào địa bàn để nghiên cứu đầu tư một số dự án như: Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng (xã Sông Kôn); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà (xã Ba và xã Tư)”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.