Hơn 10 cái tết trôi qua, không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của đồng bào đã đổ xuống, biến Lũng Pô trở thành một vùng đất trù phú ấm no.
Mang no ấm về với biên cươngTừ TP. Lào Cai, ngược biên giới về với thôn Lũng Pô-“nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, vùng đất mang nặng phù sa cho những mùa vàng bội thu.
Bên bếp lửa, nhấp chén trà nóng cho bớt đi cái lạnh vùng cao, Trưởng thôn Lũng Pô 2, Hầu Seo Xênh hồi nhớ: Lũng Pô vốn là vùng đất hoang vu, mãi đến năm 2006, 32 hộ người Mông, người Hà Nhì ở huyện Mường Khương tình nguyện chuyển bản về đây lập nghiệp, tận dụng tiềm năng về đất đai, nguồn nước để canh tác.
Để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã triển khai các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về giống cây, con mới và kỹ thuật nuôi trồng tạo sinh kế cho người dân. Đặc biệt, Ðoàn kinh tế Quốc phòng 345 đã triển khai giao đất, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rừng kinh tế, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa giữ nguồn nước phục vụ sản xuất; Bộ đội Biên phòng Đồn A Mú Sung giúp bà con ổn định nơi ăn chốn ở, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm.
Không phải lo chuyện đất đai, nguồn vốn sản xuất nên người dân ở Lũng Pô tập trung giúp nhau cùng làm giàu. Sau hơn 10 năm, từ một vùng hoang vu hẻo lánh, Lũng Pô đã trở thành nơi trù phú với màu xanh bạt ngàn của dứa và chuối. Từ 32 hộ ban đầu nay Lũng Pô đã có gần 100 hộ.
“Dân số đông nên chính quyền đã cho tách thành hai thôn Lũng Pô 1 và Lũng Pô 2 rồi. Tuy chia tách nhưng bà con vẫn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế như những ngày đầu về lập nghiệp”, Trưởng thôn Hầu Seo Xênh cho hay.
Ghé thăm ngôi nhà sàn to rộng, chủ nhân là Ly Seo Mìn anh cho biết, gia đình có hơn 2ha chuối, mỗi năm thu về hơn trăm triệu. “Cả thôn mình nhà nào cũng có chuối, dứa. Nhà ít thì vài trăm gốc, nhà nhiều thì vài nghìn gốc. Cuộc sống bây giờ tốt lắm, không lo cái đói cái nghèo nữa”. Lý Seo Mìn phấn khởi.
Những điều Mìn khoe đã được khẳng định, bởi ngay khi về đến Lũng Pô, trước mắt chúng tôi là những đồi chuối, dứa trải dài, ngút ngàn bao quanh bản. Mà lạ, suốt các xã vùng biên Bát Xát chỉ thấy ruộng bậc thang, rừng và thảo quả, còn cây dứa, chuối ở Lũng Pô tốt đến lạ lùng.
Lũng Pô vào XuânHiện nay, cả hai thôn Lũng Pô có hơn 300ha chuối và dứa. Đầu ra chẳng phải lo vì thương lái bên nước bạn Trung Quốc về tận thôn thu mua rồi xuất qua biên giới ngay lối mở Lũng Pô. Vì vậy, cả hai thôn Lũng Pô 1, 2 không còn hộ đói, chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo (người già không có sức lao động). Hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, lác đác có vài hộ có ô tô dùng cho việc vận chuyển hàng hóa...
Những người vui nhất, chứng kiến sự phát triển của bà con nơi đây là các chiến sĩ Trạm Biên phòng Lũng Pô. Bởi các anh là những người cùng ăn, cùng ở giúp bà con phát triển kinh tế. Trung úy Đào Văn Ninh, quê Hưng Yên công tác tại trạm đã vài năm nay, chia sẻ: Bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ an ninh đường biên mốc giới, nhiều năm nay cán bộ chiến sĩ của Trạm đã trở thành những người con của bản. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh trật tự, quy chế biên giới; hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng các giống cây, con mới; cùng bà con thu hoạch khi chuối, dứa vào vụ.
Bà con ở đây rất cần cù chịu khó, tin tưởng làm theo bộ đội nên nhà nào cũng ấm no. Để đáp lại tình cảm của các chiến sĩ bộ đội, bà con rất tích cực cùng với Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới; cung cấp hàng trăm tin tức có giá trị về an ninh trật tự, buôn lậu gian lận thương mại. “Vào những ngày Tết đến Xuân về, cán bộ chiến sĩ ở lại trực Tết thường xuống thôn bản vui Xuân đón Tết cùng bà con. Vì vậy, tuy xa nhà nhưng vẫn ấm lòng, vững tay súng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Trung úy Ninh chia sẻ.
Chia tay Lũng Pô, đi trên những con đường được bê tông hóa, thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của chuối và dứa là những ngôi trường được xây kiên cố, lợp mái tôn đỏ tươi. Từng tốp học sinh người Mông khăn áo thổ cẩm rực rỡ trong giờ ra chơi, tiếng cười đùa rộn vang, ấm cả một vùng biên cương.
Lũng Pô một ngày mới đang về!