Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về Mường Phăng những ngày tháng Năm

PV - 09:59, 08/05/2019

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Cũng tại đây, Đại tướng đã đưa ra những quyết sách, chiến lược tài tình để làm lên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu… Khi đất nước trên đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa, người dân Mường Phăng lại xung phong trên trận tuyến đấu tranh đẩy lùi đói nghèo. Về thăm Mường Phăng vào những ngày tháng Năm, cảm nhận về một cuộc sống yên bình, no ấm đang hiện hữu trên mảnh đất này.

Du khách thăm quan khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng. Du khách thăm quan khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng.

Đường vào Mường Phăng những ngày tháng Năm trở nên thoáng đãng, sạch sẽ do được gột rửa bởi những trận mưa đầu mùa. Từ Quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu dẫn vào trung tâm xã chỉ mất 20 phút đồng hồ. Dưới tán rừng trùng điệp, con đường ngoằn ngoèo lượn giữa những đồi cây xanh rì, trung tâm xã Mường Phăng hiện lên như một khu đô thị mới đang định hình, nhiều quán xá mọc lên, trụ sở UBND xã bề thế 2 tầng nằm bên tháp truyền hình cao sừng sững. Bên cạnh đó là các cơ sở hạ tầng, trạm y tế, chợ trung tâm xã, trường học, những nếp nhà sàn gỗ mềm mại, mái đỏ, gỗ còn tươi màu sơn cánh gián của đồng bào dân tộc Thái. Đi theo con đường nhựa dẫn vào di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ thấy một màu xanh ngắt của cánh đồng lúa đang thì con gái… khiến ai cũng có cảm nhận về một vùng đất ấm no.

Cuộc sống Mường Phăng hôm nay là vậy, nhưng ít ai biết rằng trước đây, hơn 1.000 hộ dân sinh sống tại 26 bản còn khó khăn, thiếu thốn rất nhiều. Nhiều bữa cơm độn ngô, sắn, đứt bữa mùa giáp hạt vẫn hiển hiện dưới từng nếp nhà. Phải làm gì và bằng cách nào để nâng cao mức sống cho Nhân dân là câu hỏi luôn thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên trong trong xã. Họ nhận thức rằng, xưa kia kháng chiến gian khổ là vậy nhưng Nhân dân vẫn đoàn kết vượt qua, nên hôm nay, Mường Phăng chắc chắn sẽ đi lên được bằng chính nội lực của mình.

“Phải thay đổi tư duy, nhận thức cho bà con, chủ động trong phát triển nông nghiệp. Để ruộng đồng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi cán bộ trong xã đã luân phiên xuống các bản hướng dẫn bà con sản xuất. Chúng tôi vận động bà con vay vốn mua giống mới, phân bón để đầu tư cho ruộng; hướng dẫn bà con chuyển đổi phương pháp canh tác, áp dụng kỹ thuật cho tăng năng suất. Cùng với đó, năm 2004 Mường Phăng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng Công trình thủy lợi Loọng Luông 1 với trị giá trên 82 tỷ đồng, cấp nước tưới ổn định cho 150ha đất trồng lúa. Từ đó đời sống của bà con các dân tộc Mông, Thái vùng căn cứ kháng chiến đã phát triển và vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.”- Bà Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ.

Sở hữu tiềm năng về du lịch lịch sử, những năm qua, du khách đến với Mường Phăng tăng cao, đặc biệt trong những dịp lễ lớn của đất nước. Người dân Mường Phăng giờ cũng đã biết tận dụng thế mạnh của ngành Du lịch. Chỉ quanh khu vực di tích Mường Phăng đã có tới gần 50 hộ tham gia bán hàng lưu niệm và những sản vật địa phương. Nhiều hộ mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách các món ăn truyền thống của dân tộc Thái: thịt gà thả trong vườn nhà, cá hồ Pá Khoang kẹp lá thơm nướng, hoa ban xào măng, nộm thịt lợn với hoa chuối rừng, rau cải ngồng hái trên nương...

Bà Lường Thị Xóa, bản Phăng 3 kể rằng: “Trước đây, bà con trong bản không đủ ăn, đủ mặc, giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, có chính sách đối với những gia đình có công với cách mạng nên cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Chứng kiến cuộc sống của dân bản no ấm thế này là già toại nguyện lắm rồi!”.

Đến với Mường Phăng, một điều dễ nhận thấy là dường như mỗi công trình trên mảnh đất này đều gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 3 ngôi trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều mang tên Võ Nguyên Giáp. Hồ thủy lợi Loọng Luông 1 cũng được bà con gọi thân mật là Hồ Đại tướng.

Cô giáo Mạc Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, cho biết: Vào ngày 1/2/2014, 3 ngôi trường trên địa bàn xã đã vinh dự được mang tên Đại tướng. Vinh dự này khiến cho thầy và trò cảm thấy hết sức thiêng liêng và tự hào và sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để xứng danh tên tuổi của Đại tướng. Trường hiện có 252 học sinh theo học, trong đó có tới gần 92% là con em các dân tộc thiểu số địa phương, trên một nửa số thầy cô của trường cũng là người dân tộc địa phương. Từ khi đạt chuẩn quốc gia vào năm 2006, đến nay trung bình mỗi năm trường có gần 70% học sinh đạt khá và giỏi.

Thấm thoắt đã 65 năm trôi qua, kể từ sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ với người Việt Nam mà với cả những dân tộc tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hằng ngày, nhiều đoàn khách vẫn tấp nập trở lại thăm khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, ngoài để chiêm ngưỡng cảnh quan, du khách còn muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất kiên cường, hào hùng trong quá khứ, từng bước khởi sắc thời hiện tại và xây dựng thành công phong trào nông thôn mới. Đó tiếp tục là điều khích lệ đối với mỗi cán bộ và Nhân dân Mường Phăng nỗ lực bứt phá, tiến lên với tinh thần Ðiện Biên Phủ năm xưa.

HƯƠNG CHI

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.