Trao đổi với chúng tôi, chị Kim, chủ nhân của “kho tàng” thạch quả cho hay, 15 năm trước, tình cờ ngắm những viên đá đẹp và nghe kể những huyền thoại về các loại đá nghệ thuật, vậy là hai vợ chồng quyết định hành trình đi sưu tầm đá cảnh.
Chị Kim cho hay, trước thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19, mỗi tháng, hai vợ chồng đi sưu tầm đá cảnh 2 đợt (mỗi đợt 7 ngày) trên núi ở các vùng Trà Mi, Hiệp Đức, Đông Trường Sơn, Phước Sơn… Đến nay, anh Tuệ và chị Kim đã có trong tay trên 300 tác phẩm với đủ chủ đề về quê hương, đất nước, con người... Ngắm “rừng đá” của hai người, ai cũng có cảm giác như lạc vào chốn thiên thai với những gam màu đậm, nóng… ấn tượng, đẹp mắt. Có viên với cảnh ráng chiều rực đỏ, cảnh hoàng hôn ánh tím với những vân mây thơ mộng lững lờ trôi…
Nhưng để có được một tác phẩm đẹp, phải tốn nhiều công sức và tiền của. Theo chị Kim, người tìm đá phải có một số kiến thức nhất định về thiên văn, địa lý, mỹ thuật… và về các loại hình đá nghệ thuật, nhất là loại hình đá cảnh Suiseki. Ngoài ra, người tìm đá còn cần có cái may mắn, cái duyên để “ngộ” được những viên đá hay những ‘thạch quả” đẹp. Một tác phẩm đẹp, quý hiếm phải hội đủ 5 yếu tố: Tỉ trọng, độ cứng, độ bóng, đường nét và màu sắc”, chị Kim cho biết.
Theo chị Kim, đá là nơi ghi dấu rõ nét nhất những thay đổi của không gian, thời gian… Mọi cảnh trí, con người, nhân vật đều được thiên nhiên khắc trên đá. Thậm chí, qua những phiến đá vô tri, mình có thể gửi gắm niềm mơ ước, giúp đá có “linh hồn”, khi “hiểu” nó thì có thể đặt cho nó một cái tên. Nói về “thạch quả”, trong thiên nhiên hiện diện rất nhiều, số thì nằm trong lòng sông, suối, số ở dưới mặt đất. Có những “quả” rất lạ với những màu sắc hài hòa trông khá đẹp mắt.
Những năm qua, vợ chồng chị Kim đã cất công sưu tầm trên 100 quả đá gồm bầu, bí, mướp, dưa gan, dứa, khổ qua, xoài, bơ... Chỉ cần gắn vào đầu mỗi quả một cái cuống là trông giống như quả thật. Trước khi chưa cho dịch Covid-19, bộ sưu tập “thạch quả” này cùng với một số đá nghệ thuật khác của 2 vợ chồng chị Kim, anh Tuệ được trưng bày, triển lãm nhiều nơi, được nhiều người xem rất quan tâm, thích thú. Mỗi năm, hai vợ chồng thu nhập từ tiền bán tác phẩm khoảng 100 triệu đồng.
Tôi mong rằng trong tương lai, khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, những người yêu “thạch quả” sẽ tổ chức một lễ hội “thạch quả Việt Nam” với hàng ngàn loại “quả đá” từ mọi miền đất nước tham gia. Tuy không thưởng thức thạch quả bằng vị giác, khứu giác nhưng tôi nghĩ rằng những “rừng” thạch quả đó sẽ để lại nhiều thú vị, bất ngờ, ấn tượng cho người xem, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng sinh vật cảnh Việt Nam.