Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Về đích” bằng quyết tâm và sự sáng tạo của người dân

Tùng Nguyên - 17:03, 09/09/2020

Đối với các địa phương miền núi, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất nông nghiệp ít nên thường rất khó đa dạng hóa các mô hình kinh tế. Do đó, để nâng cao thu nhập thì chính quyền địa phương và người dân phải thực sự chủ động, sáng tạo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế.

Thanh long ruột đỏ là một trong những cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Yên Thịnh
Thanh long ruột đỏ là một trong những cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Yên Thịnh

Yên Thịnh là thôn miền núi của xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Thôn có 19,5 ha đất nông nghiệp nhưng thường xuyên thiếu nước nên trồng lúa và cây màu năng suất không cao; thu nhập của 106 hộ dân (thuộc 2 dân tộc Kinh, Mường) ở Yên Thịnh chỉ dựa vào đồi rừng với những cây trồng giá trị thấp, đời sống rất khó khăn.

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới , thực hiện chủ trương của xã Thành Tâm, người dân thôn Yên Thịnh đã cải tạo đất đồi, vườn tạp và cả diện tích đất ruộng kém hiệu quả để phát triển các mô hình cây ăn quả (ổi, thanh long, nhãn, vải, mít Thái...). Sau gần 10 năm xây dựng Nông thôn mới (2011 - 2020), người dân thôn Yên Thịnh đã hái được những quả ngọt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Theo thống kê, hiện thôn có 5ha chuyên canh trồng ổi, với năng suất bình quân 20 tấn quả/ha, đã đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm cho thôn. Cây thanh long ruột đỏ cho năng suất khoảng 25 tấn/ha, đem về thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng; cây mít Thái và nhiều loại cây ăn quả khác như nhãn, vải... cũng đem lại thu nhập thường xuyên cho các chủ vườn ở thôn Yên Thịnh.

Từ các vườn cây ăn quả thay nhau cho hoa quanh năm, người dân thôn Yên Thịnh đã tận dụng để phát triển nghề nuôi ong mật. Hầu hết các hộ ở Yên Thịnh đều nuôi ong; nhà ít có 5 - 7 đàn, nhà nhiều phát triển hàng chục đàn ong, mỗi năm cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ bán mật. 

Nhờ đó, người dân Yên Thịnh đã từng bước vươn lên, kinh tế ngày càng khá giả. Từ năm 2016, Yên Thịnh đã đạt chuẩn NTM, quyết tâm “về đích” thôn NTM kiểu mẫu. Hiện, Yên Thịnh đã hoàn thành 14/14 tiêu chí và trở thành một trong 12 thôn Nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, với mức thu nhập bình quân đã đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm.

(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.