Một thời nát tan
Nằm dưới chân núi Phá Hảo Cón, trước mặt là dòng khe Quẹ hiền hoà, bản Cắm, thuộc xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đẹp như một bức tranh. Người làng kể rằng, ngày xưa bản Cắm, vàng nhiều lắm, sau một trận mưa lớn, là thấy rõ những vảy vàng lấp lánh. Vàng từ tròng lòng núi, vàng dưới ruộng, dọc khe suối…Vì thế bản mới có tên là bản Vàng. Từ lâu lắm rồi, người dân bản Cắm đã biết đi đào đãi vàng để làm trang sức và đổi các loại hàng hoá. Nhưng, cũng chỉ là làm thủ công trong các ngày nông nhàn. Đào đãi vàng, nhưng bà con cũng biết giữ gìn môi sinh, cảnh quan của bản. Thế rồi, tiếng đồn đại bay đi, người tứ xứ với đủ thứ máy móc xình xịch suốt ngày đêm. Bản Cắm trở nên tan hoang, nham nhở.
Ông Vi Văn Sáu, ở bản Cắm, kể lại: “Ngày ấy, người khắp nơi từ thị trấn Kim Sơn, từ huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TP. Vinh và thậm chí là từ tận ngoài Thái Nguyên, Lạng Sơn…cũng kéo về đây đào vàng. Người cuốc, kẻ xẻng, có người chở cả hệ thống máy hút, sàng đãi, máy múc vào khai thác, đâu đâu cũng hố đào vàng, nham nhở”.
Còn ông Lữ Văn Sơn thì có vẻ như vẫn chưa hết kinh hoàng nhớ lại: “Cả bản tôi như một bãi chiến trường. Họ làm cả ngày lẫn đêm, đâu đâu cũng hố đào vàng. Có những tốp còn trắng trợn đào luôn cả ruộng lúa của dân, xích mích đã xây ra mấy lần rồi đó”. Cũng lời ông Sơn: Thời đó, dân chúng tôi khổ sở vì nạn đào vàng, nước khe đục ngầu quanh năm, rồi họ còn dùng cả hoá chất “cô” vàng, không cá tôm nào sống nổi, cây lúa thì còi cọc, héo dần héo mòn. Trâu bò uống nước khe, bị nhiễm độc chết nhiều lắm…
Màu xanh trở lại với bản vàng
Bản Cắm vừa xong vụ gặt, mùi rơm thơm còn thoang thoảng khắp bản. Ông Vi Văn Sáu, chỉ tay về phía cánh đồng, hồ hởi: Cánh đồng lúa của bản ta rộng những 30 ha. Gặt xong, hôm nay bà con tranh thủ ra đồng be lại bờ, chắn nước để chuẩn bị cho vụ tới. Vụ rồi được mùa lắm, nhà ta được mấy chục bao lúa, đủ ăn cho cả năm. Khe Quẹ cũng đã trong xanh trở lại rồi, đấy có nhiều người tranh thủ đánh cá đấy. Vui lắm rồi, không như thời vàng tặc lộng hành nữa đâu.
Được ông Sáu “giới thiệu”, bà Lữ Thị Thanh đang lúi húi xúc cá dưới khe Quẹ đã chịu dừng lại để trò chuyện với chúng tôi. Bà cho biết, tôm cá đã có nhiều, bữa ít nhất cũng được nửa giỏ, đủ cho cả nhà ăn trong vài hôm.
- Hôm nay được nhiều không - tôi hỏi?
Thay vì trả lời, bà tiến sát gần bờ mở giỏ cho xem, gần đầy ắp giỏ.
Anh Lô Văn Nhân, Phó Bí thư Đoàn xã Cắm Muộn, cũng là người con của bản Cắm thì khẳng định, ba, bốn năm nay tuyệt đối không có hiện tượng đào vàng nữa. Bà con từ già đến trẻ ai cũng chí thú làm ăn. Người trẻ, phần lớn là đi làm công nhân ở các nhà máy trong và ngoài tỉnh, thu nhập cũng ổn định. “Anh thấy đấy, bản em khang trang sạch đẹp thế, là nhờ một phần đóng góp của những người đi xa. Sắp tới chúng em sẽ tổ chức trồng cây hai bên đường vào bản, anh trở lại lần nữa thì chỉ có mê li”, Nhân hồ hởi, nói.
Người tỏ ra phấn khởi hơn cả là ông Lô Văn Bốn,Trưởng bản Cắm. Ông nói, trước đây nạn khai thác vàng trái phép đã làm môi trường của bản bị ô nhiễm, an ninh trật tự bị đảo lộn, ruộng đồng bỏ hoang nhiều, đời sống của bà con rất bấp bênh. Nay thì khác rồi, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền đã làm cho bản Cắm “liền da, liền thịt”. Ruộng đồng vì thế mà xanh tươi, năng suất đạt 57 tạ/ha, chưa có năm nào năng suất cao như năm nay.
Còn ông Vi Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, sau những hồi tưởng ngán ngao của một thời vàng tặc, đã nói rất vui: Bản Cắm sẽ là điểm sáng của Cắm Muộn!