Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vầng trăng đại ngàn

Nhật Minh - 10:11, 20/07/2020

Đúng chủ trương, nhẹ nhàng, mềm mỏng, kiên trì và đôi khi phải “lỳ” một chút, có như vậy công tác dân vận mới mang lại hiệu quả, giúp người dân vượt qua hủ tục, đói nghèo, tiến đến cuộc sống giàu đẹp văn minh. Chính từ cách làm ấy, người dân bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) ví ông Tao Văn Ún, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm như “Vầng trăng đại ngàn” tỏa rọi khắp vùng đất này.

Ông Ún tuyên truyền vận động người dân về tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Ún tuyên truyền vận động người dân về tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Vượt quả hủ tục

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, thuộc DTTS dưới 1.000 người (dân tộc Lự), vì vậy ông Ún cảm nhận rõ nhất những hủ tục lạc hậu như: Ma chay, cưới hỏi, hay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con nhiều… luôn là gánh nặng kìm hãm sự phát triển của người dân nơi đây. Những điều tưởng chừng như bình thường ấy nhưng luôn làm ông trăn trở qua từng vị trí công tác.

Ông Ún chia sẻ: “Còn nhớ khi mình làm cán bộ văn hóa, đến các bản, gia đình để tuyên truyền thì người dân luôn có những cái lý để bảo vệ cái hủ tục của mình, như: Từ trước đến nay dân tộc mình vẫn tảo hôn, hôn nhân cận huyết có sao đâu? Các cụ xưa sinh 5 sinh 7, giờ mình sinh 3 còn ít…”.

Để gỡ được những nút thắt ấy thì phải “dân vận khéo”. Mà để dân vận thành công không chỉ khéo, mà còn phải hội tụ rất nhiều yếu tố như, phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; nhiệm vụ chuyên môn được giao; tự đặt ra cho mình những tình huống khó để có giải pháp xử lý trước; hay lời nói trong quá trình tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu ví như: Tảo hôn sẽ có những hệ lụy mà ta không biết trước được...

Bằng cách làm mềm mỏng, kiên trì và đôi khi phải “lỳ” một chút, bởi nhiều gia đình, nhiều cá nhân không chỉ đến một vài lần, thậm chí cả 10 lần mới thông. Nên đến nay người dân xã Nậm Tăm đã vượt qua được “cái lý” của cha ông truyền lại để thực hiện theo nếp sống mới. “Nhờ được cán bộ Ún tuyên truyền nên bản chúng tôi không còn hộ sinh con thứ ba. Bà con ý thức được rằng, quan trọng là phải nuôi dạy con cho tốt để trở thành người có ích cho gia đình, dòng tộc và xã hội chứ không phải đẻ nhiều là tốt”, anh Tao Văn Pèng bản Nậm Ngập chia sẻ.

Nếp sống mới văn minh của người dân bản Nậm Ngập hôm nay.
Nếp sống mới văn minh của người dân bản Nậm Ngập hôm nay.

Tiến đến cuộc sống giàu đẹp văn minh

Với những việc làm thuận ý Đảng, hợp lòng dân ấy nên ông Ún được đảng bộ, chính quyền địa phương giao cho nhiều trọng trách, như: Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã. Dù ở cương vị công tác nào thì đối với ông lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận luôn là kim chỉ nam trong thực thi công vụ: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì vậy mà tất cả mọi công việc luôn được ông phối hợp chỉ đạo, bàn bạc thống nhất trong cấp ủy đảng, sau đó triển khai đồng bộ đến từng người dân, gia đình trên địa bàn.

Dù bận nhiều công việc, nhưng ông luôn dành thời gian đến từng bản, từng gia đình để nắm bắt tâm tư nguyên vọng của Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề khó, nhậy cảm. “Còn nhớ những ngày đầu khi Đảng, Nhà nước có chủ trương di dân tái định cư để nhường chỗ cho lòng hồ Thủy điện Sơn La, có rất nhiều luồng ý kiến phản đối gây khó khăn, làm mềm ý chí của một số cán bộ. Khi chúng tôi đến từng bản, từng gia đình hay từng lán nương để tuyên truyền thì nhận được rất nhiều những lời nói thiếu đồng nhất, thậm chí đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Nhưng rồi sự mềm mỏng, kiên trì và đôi khi phải “lỳ” một chút ấy đã chiến thắng. Và chính những hộ, những cá nhân gây khó dễ cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thì ngay sau khi các khu tái định cư được hoàn thiện; hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp, lô đất của các gia đình rộng rãi, đẹp hơn, thuận tiện hơn nơi ở cũ… thì họ lại chính là những hộ chuyển đến nhanh nhất”. Ông Ún chia sẻ vậy khi dẫn chúng tôi đi thăm bản văn hóa Nậm Ngập với truyền thống 15 năm được công nhận và giữ vững danh hiệu Bản văn hóa.

Trên miền đất mới, người dân Nậm Tăm lại cùng nhau bước vào cuộc cách mạng với bộn bề khó khăn mang tên “Nông thôn mới”. Nhưng nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối vào những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những người như ông Tao Văn Ún nên người dân đã tự nguyện, chung sức đồng lòng thông qua những việc làm cụ thể, như: Đóng góp tiền của, công sức làm đường bê tông nội bản, nhà văn hóa, cổng bản… với tổng kinh phí toàn xã khoảng trên 10 tỷ đồng. Nhờ đó năm 2016 Nậm Tăm đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn, phát huy thông qua trang phục truyền thống, nếp sống sinh hoạt hằng ngày, đội văn nghệ, hay việc duy trì lễ Căm mương “Kiêng Mường”. Chính lễ hội này đã được tỉnh nghiên cứu, lựa chọn và giới thiệu tại Ngôi nhà chung “Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

“Với chúng tôi và người dân nơi đây, ông Ún như “Vầng trăng đại ngàn” tỏa rọi, góp phần làm rực sáng vùng đất này. Kể từ tháng 6/2020 ông Ún được nghỉ chế độ, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, ông sẽ tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để Nậm Tăm hoàn thành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian ngắn nhất”, Tân Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm Cà Văn Nguyên chia sẻ trong cái bắt tay thật chặt khi tiễn đoàn công tác chúng tôi.



Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.