Nhưng do không có nhiều thời gian tìm hiểu và biết rõ về sự tích, ý nghĩa của Lễ Vu Lan nên nhiều người dân vô tình “làm theo đám đông”, nghe theo sự dẫn dắt của những người làm nghề vàng mã nên đã đồng nhất Lễ Vu Lan với tục đốt vàng mã. Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, người dân đều chuẩn bị đồ cúng rất tươm tất, đặc biệt là vàng mã với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất.
Quan niệm chưa chính xác của người dân là cơ hội để nghề làm đồ mã, vàng mã phát triển. Nếu trước kia chỉ là quần áo, mũ, hài, đồ trang sức, tiền giấy, thì nay, đồ vàng mã đa dạng như trần tục; từ dầu gội đầu, đồ gia dụng, người giúp việc cho đến xe máy, ô tô và biệt thự... Giá các loại đồ vàng mã cũng tùy theo từng mặt hàng “thời thượng” mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng...
Còn nhớ một nghiên cứu của TS.Nguyễn Việt Cường (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã đưa ra một con số: năm 2016, tiền chi cho đồ cúng lễ của người dân cả nước gấp 8 lần chi cho truyện tranh và đồ chơi trẻ em (vào khoảng 16 nghìn tỷ đồng). Mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, nên dù chưa có thống kê về số tiền chi cho việc này nhưng có thể hình dung con số rất lớn.
Đầu năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi đồng bào Phật tử “không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Rồi các phương tiện truyền thông cũng róng riết kêu gọi, khiến dư luận đã thực tâm chú ý.
Nhưng chỉ được trong một thời gian ngắn, cuối cùng đâu lại vào đấy. Quan điểm bỏ tục đốt vàng mã trở thành đề tài tranh luận-người ủng hộ, người phê phán, đến nay chưa có hồi kết. Nhưng có một sự thật có thể “kết”, đó là với số tiền khổng lồ chi cho việc đốt vàng mã hằng năm có thể đổi được hàng triệu bữa ăn từ thiện, hàng triệu mảnh đời khốn khó được giúp đỡ.
Trước đây, chúng ta đã loay hoay một thời gian dài để cấm đốt pháo và chúng ta đã làm được. Vậy, đốt vàng mã cũng không ngoại lệ.
SỸ HÀO