Bỏ nơi ở mới vì thiếu sinh kế
Năm 2010, gia đình ông Đặng Phúc Thêm, ở thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang chuyển đến khu TĐC Hợp Lâm, cách nhà cũ khoảng 7km. Tuy nhiên, sinh sống ở đây chưa được bao lâu, gia đình ông Thêm với 9 nhân khẩu lại chuyển về chỗ ở cũ. Mảnh đất của gia đình được cấp ở khu TĐC cũng đã được ông bán cho người khác với giá 50 triệu đồng.
Điều đáng nói, ngọn đồi nằm dưới dãy núi Voi, phía sau nhà ôngThêm đang ở có vết nứt dài, chiều rộng khoảng 40cm. Dù biết nguy hiểm, nhưng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, khi mà ông Thêm cũng không thể quay về khu TĐC vì đất đã bán cho người khác.
"Dù biết là sống ở đây cũng không được an toàn, nhưng ở khu TĐC cũng không có gì thuận lợi, lại thiếu đất sản xuất. Quay về nhà cũ còn có chỗ để chăn nuôi, trồng trọt. Ở đây bây giờ mưa gió thì cũng rất lo lắng, đêm thì không ngủ được cứ phải bật đèn xem có sạt, lở chỗ nào còn chạy", ông Thêm cho biết.
Bà con nông dân chúng tôi lâu nay chỉ biết làm ruộng, làm nương. Ra chỗ ở mới đất chật hẹp, muốn trồng cây rau để ăn cũng khó nói gì đến trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Đặng Phúc TiếnNgười dân thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang
Cũng như gia đình ông Thêm, hộ ông Đặng Phúc Tiến cùng thôn Khay Dạo, sau một thời gian ra khu TĐC cũng đã chuyển về chỗ cũ để sinh sống, làm ăn, dù biết ở đây thiếu an toàn.
Theo ông Tiến, khi chính quyền triển khai tuyên truyền cho bà con về khu TĐC, thì mỗi hộ được cấp từ 180-200 mét vuông đất ở. Nhưng thực tế như gia đình ông sau khi trừ hành lang an toàn giao thông, mở rộng đường, chỉ còn trên dưới 100 mét vuông đất trong sổ đỏ.
“Chỗ ở cũ thì nước sinh hoạt bảo đảm, ruộng nương thì cũng ở hết đây nên chúng tôi đành về chỗ cũ để sinh sống và sản xuất”, ông Tiến nói.
Sống chung với nguy cơ sạt lở
Trận mưa lũ lịch sử năm 2008, đã làm 8 người dân ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên bị thiệt mạng, hàng chục hộ dân mất nhà cửa. Năm 2009, để bảo đảm an toàn cho người dân, khu TĐC tại thôn Hợp Lâm (thôn 14 cũ), xã Lâm Giang được xây dựng, để bố trí cho 49 hộ dân bị mất nhà cửa do thiên tai, bão lũ, các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn xã.
Ông Phùng Văn Quan, Trưởng thôn Khay Dạo cho biết: Thôn có 30 hộ dân chuyển ra khu TĐC Hợp Lâm, mỗi hộ chuyển đi được nhà nước cấp đất ở và hỗ trợ 10 triệu đồng. Nhưng khi vào khu TĐC được một thời gian, thì hầu hết các hộ quay về chỗ cũ, giờ chỉ còn vài hộ trụ lại.
“Khu TĐC thôn Hợp Lâm cách nơi ở cũ của bà con khoảng 7km, đường đi lại khó khăn, thiếu nước, trong khi đó tất cả ruộng vườn, nương rẫy sản xuất lại ở nơi cũ nên bà con bỏ về cũng là điều dễ hiểu. Xã và thôn cũng đã tuyên truyền vận động bà con không được về chỗ ở cũ vì nguy cơ sạt lở cao, nhưng bà con vẫn tự về", ông Quan cho biết.
Qua tìm hiểu được biết, khu TĐC do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư và triển khai xây dựng từ năm 2009, đất ở được bố trí liền kề với 49 lô. Ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết, ngay sau khi khu TĐC hoàn thành, xã đã vận động và bà con đã đồng thuận di chuyển về nơi ở mới.
“Điều này cho thấy bà con cũng rất muốn đến nơi ở an toàn hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn; tuy nhiên, cũng vì khó khăn về đất sản xuất nên bà con lại bỏ về nơi cũ”, ông Bộ lý giải.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Lâm Giang, tình trạng người dân bỏ về nơi ở cũ, cùng với đó một số hộ đã chuyển nhượng đất được cấp cho người khác cấp ủy, chính quyền xã cũng đã nắm được. Theo quy định đất được cấp ở khu TĐC là không được chuyển nhượng, xã cũng đã làm việc với các hộ tuyên truyền, quán triệt việc này. Tuy nhiên, các hộ tự thỏa thuận, giao dịch ngầm với nhau nên rất khó, xã cũng không làm thủ tục cho các hộ để chuyển nhượng.
"Hiện nay, đối với các hộ về nơi ở cũ nhưng mà ở những vị trí ít nguy hiểm, thì xã cho về để bà con thuận tiện cho việc canh tác, còn ở vị trí nguy hiểm thì chúng tôi kiên quyết không cho ở”, ông Bộ khẳng định.
Yên Bái là một trong những địa phương vùng Tây Bắc chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, mưa lũ trong những năm qua. Ngay trong đầu mùa mưa bão năm 2021, địa phương này cũng đã có 02 người thiệt mạng do sạt lở đất (huyện Văn Yên có 01 người).
Do đó, việc các hộ dân ở khu TĐC thôn Hợp Lâm bỏ về nơi ở cũ thời gian vừa qua, không chỉ gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan trọng hơn, điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn cho người và tài sản khi mà mùa mưa lũ đã đến. Thực tế này đòi hỏi các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp khắc phục tồn tại; đồng thời tiếp tục vận động, có động thái kiên quyết hơn với người dân bỏ khu TĐC về nơi ở cũ.