Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Văn Lãng (Lạng Sơn): Nhiều giải pháp, đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào DTTS

Văn Hoa - Giáng Tiên - 07:03, 18/11/2023

Bảo đảm quyền con người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng với đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay, là những vấn đề lý luận - thực tiễn vừa cơ bản, vừa cấp bách, cần được nhận thức thấu đáo và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, kiên trì. Là một trong những huyện biên giới, có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhận thức rõ điều này, những năm qua, huyện Văn Lãng đã triển khai nhiều giải pháp, qua đó đã đem lại nhiều kết quả tích cực, trong việc từng bước mang lại cuộc sống đầy đủ ấm no và ngày càng chất lượng, bình đẳng trong mỗi người dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Văn Lãng là một huyện miền núi, biên giới, có diện tích 567,41km2; nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm tỉnh lỵ 30 km, có đường quốc lộ 4A đi qua dài 32km. Đường biên giới Quốc gia giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa dài 36 km. 

Huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Na Sầm và 16 xã. Toàn huyện có 49.925 người, 13.587 hộ (số liệu năm 2020); trong đó: Dân số nông thôn có 43.689 người; thành thị 6.236 người. Văn Lãng là huyện có 4 dân tộc chính: Tày, Nùng, Kinh, Hoa cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Tày - Nùng; tỷ lệ người DTTS là 92,6%.

Đồng bào dân tộc Tày xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng tăng gia sản xuất
Đồng bào dân tộc Tày xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế

Nhằm đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào DTTS, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Ông Lương Văn Vị, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Văn Lãng cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân; đồng thời ban hành chương trình hành động cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ; trong đó, có nội dung đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực; lựa chọn, đưa vào danh mục chương trình công tác toàn khoá để ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đột phá, phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện.

Các học viên, tuyên truyền viên tham gia lớp tập huấn về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS
Các học viên, tuyên truyền viên tham gia lớp tập huấn về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Theo ông Lương Văn Vị, hằng năm, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, ban hành các văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Những kết quả đáng ghi nhận

Đến nay, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Quy mô trường lớp được duy trì ổn định, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường đầu tư, đáp ứng cho các hoạt động dạy và học. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và nâng cao; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn các nội dung: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, được quan tâm đầu tư, đến nay đã xây dựng được 21 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 3 trường so với năm 2020. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, phân luồng học sinh, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Ông Vũ Hồng Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lãng cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 54 trường thuộc các cấp học, với 480 lớp, 10.793 học sinh. Hằng năm, phòng đã chỉ đạo các trường học triển khai việc học và dạy học đạt hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh là đồng bào DTTS.

Một góc thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng
Một góc thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến. Mạng lưới khám, chữa bệnh tiếp tục được củng cố; cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, trang thiết bị y tế được trang bị, bổ sung, góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. 100% người dân được lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao về trình độ, 14/17 trạm y tế xã có bác sĩ (đạt 82%); 100% thôn, khu phố có nhân viên y tế. Hiện nay có 15/17 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Hoạt động văn hóa và thông tin, thể dục thể thao được tăng cường và phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, các danh hiệu văn hóa tăng lên theo từng năm. Thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư; đến nay có 110/161 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn (đạt 68,3%). Tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm hơn so với năm trước. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế 43.879 người, đạt 87,35% (chỉ tiêu Nghị quyết 98%)…

Tổng kết lớp nghề chăn nuôi lợn tại thôn Khuổi Tọc, xã Hội Hoan.
Tổng kết lớp nghề chăn nuôi lợn tại thôn Khuổi Tọc, xã Hội Hoan.

Đặc biệt, hiện nay cả hệ thống chính trị huyện Văn Lãng đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. 

Đến nay, đã có gần 100 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, gần 1000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; gần 500 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; hàng chục cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc được đầu tư; hàng chục cuộc tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người DTTS…

Việc thực hiện tốt các nội dung, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, góp phần đảm bảo các quyền cơ bản của con người, các quyền kinh tế, quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở, thông tin, việc làm)….

Có thể thấy, với những giải pháp tích cực, hiệu quả, việc thực hiện đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Lãng, đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào vào chính quyền, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện vùng cao biên giới Văn Lãng.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.