Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Văn học đề tài Thương binh-Liệt sĩ: Thách thức giữa thời bình

PV - 10:23, 12/08/2019

Những sáng tác văn học về đề tài người thương binh-liệt sĩ (TBLS) đóng góp không nhỏ vào sự thành công của văn học cách mạng Việt Nam. Dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng đề tài về TBLS vẫn còn nhiều hấp dẫn với người viết cũng như người đọc. Tuy nhiên, để viết về đề tài này trong thời bình lại là một thách thức, khó khăn cho người cầm bút.

Luôn có một sức sống bền bỉ

Nhìn lại kho tàng văn học Việt Nam trong quá khứ, có lẽ đề tài văn học TBLS đã ghi dấu với nhiều tác phẩm xuất sắc nhất. Những tác phẩm đó phải kể đến như: “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng); “Hòn Đất” (Anh Đức); “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi)… Về thơ, khó có thể quên những câu thơ trong: “Viếng bạn” (Hoàng Lộc); “Tây Tiến” (Quang Dũng); “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân)… Tất cả đã đi vào lòng độc giả qua nhiều thế hệ.

Những tác phẩm văn học về đề tài TBLS mãi là nơi lưu giữ hình ảnh những người lính bất tử. (Ảnh TL) Những tác phẩm văn học về đề tài TBLS mãi là nơi lưu giữ hình ảnh những người lính bất tử. (Ảnh TL)

Với mỗi tác giả khi viết về đề tài văn học TBLS, từ cảm hứng ban đầu đến khi hoàn thành tác phẩm là một quá trình dày công sáng tác. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Máu và tội ác”, tác giả Nguyễn Tam Mỹ (quê ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã mất gần 25 năm đi tìm tư liệu về vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) trong giai đoạn 1954-1955. Tác phẩm được ông viết không đơn thuần theo lối lịch sử, mà được sử dụng ngôn ngữ văn chương nhuần nhuyễn, cách dựng truyện và xây dựng cấu trúc khéo léo, đẩy nhịp độ, kịch tính lên cao trào như “tiểu thuyết hành động” khiến người đọc càng đọc càng hấp dẫn, không khô khan như đọc sử thuần túy.

Tác phẩm “Máu và tội ác” đã gây được tiếng vang lớn, nhưng với nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, điều khiến ông hạnh phúc nhất có lẽ là “khi tác phẩm đến tay những học sinh vùng quê Tiên Phước, các em mới biết mảnh đất nơi mình sinh ra thấm đẫm máu xương của những con người; từ đó, các em tự nhủ phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng với thế hệ cha anh”, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ chia sẻ.

Hay với những tác giả trẻ sinh ra trong thời bình, hình ảnh những người lính đã ngã xuống vẫn thôi thúc họ cầm bút. Là một nhà văn trẻ có cảm hứng viết về đề tài TBLS, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã từng chia sẻ: “Tôi đi công tác nhiều, có khi đi cùng các nhà văn Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, chứng kiến họ rớt nước mắt trên nghĩa trang liệt sĩ-nơi đồng đội nằm xuống trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ mình may mắn không gặp chiến tranh nhưng cũng cần phải hiểu về nó”.

Thách thách giữa thời bình

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay những tác phẩm văn học về đề tài TBLS, khắc họa những người lính bị thương, hy sinh trong chiến tranh đang dần hiếm thấy. Có lẽ, một phần chúng ta đang sống trong thời bình, vì thế những tác giả trẻ thiếu những trải nghiệm trực tiếp về chiến tranh, về những hy sinh mất mát là thử thách đầu tiên và lớn nhất đối với người viết. Họ buộc phải tiếp cận đề tài, đối tượng thông qua sử liệu, tư liệu, qua chuyện kể, các hồi ức, nhân chứng... ảnh hưởng không nhỏ đến cảm hứng và sự bày tỏ của người viết.

Các văn nghệ sĩ giao lưu trình diễn thơ ca về đề tài người lính tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh Ngọc Ánh Các văn nghệ sĩ giao lưu trình diễn thơ ca về đề tài người lính tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh Ngọc Ánh

Nhà văn Nguyễn Đình Tú kể về quá trình sáng tác tác phẩm “Xác phàm” một tiểu thuyết lấy đề tài về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 rằng “Tôi tìm đọc sách về chiến tranh biên giới, nhưng có rất ít tài liệu về sự kiện này. Tôi có đọc cuốn sách của một người Mỹ viết, nhưng ở góc độ lịch sử về tương quan lực lượng, tình hình quân sự chiến trường hai bên lúc bấy giờ. Về mặt thực tế, tôi đã đi lại đường biên từ vùng Đông Bắc, Tây Bắc nhiều lần, tiếp xúc với nhiều người và có những quan sát nhất định. Sau khi viết xong, tôi quyết định quay lại tuyến đường biên giới một lần nữa để cảm nhận vùng núi rừng; đó là cách kiểm tra lại những cái mình viết ra có đúng hay không, có gì trật không... Sau chuyến đi, tôi thấy yên tâm về những gì mình viết, dù đó là tác phẩm hư cấu”.

Điều đó đặt những người viết hôm nay vào tình thế phải đối mặt, phải viết khác, phải đem đến những giá trị mới mà thế hệ đi trước chưa làm được...

Vì vậy, để tìm lại chỗ đứng cho mảng đề tài TBLS, đòi hỏi mỗi nhà văn phải tìm cho mình một góc nhìn mới, mở rộng phạm vi khám phá, thể hiện, không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ mà cần cả chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và những hy sinh, mất mát của người lính thời bình.

Để khích lệ, phát hiện đội ngũ nhà văn sáng tác về đề tài văn học TBLS, năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc phát động sáng tác văn học về đề tài TBLS và người có công với cách mạng nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2017).

Từ Cuộc phát động, mảng đề tài văn học TBLS có thêm 41 tác phẩm xuất sắc, cảm động về hình tượng những người lính bất tử. Với kết quả đó, rõ ràng đề tài chiến tranh cách mạng nói chung và về TBLS nói riêng vẫn đầy hấp dẫn đối với công chúng văn học.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.