Năm 2005, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đầu tiên được tổ chức, thu hút trên 300.000 lượt khách thăm quan; 106 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 400 gian hàng tại Hội chợ-Triển lãm chuyên ngành cà phê. Ngay từ lễ hội đầu tiên này, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện đại, kết hợp với truyền thống văn hóa Tây Nguyên và văn hóa đặc thù riêng của tỉnh Đăk Lăk đã được địa phương giới thiệu, tổ chức phong phú bằng nhiều hình thức khác nhau như: chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, trình diễn trang phục dân tộc trong các đêm khai mạc, bế mạc; diễu hành đường phố; trưng bày, triển lãm tranh ảnh, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống; giới thiệu ẩm thực…
Gần đây nhất là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 diễn ra vào năm 2017, trong đó điểm nhấn của Lễ hội là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Cùng với đó là hàng loạt các sự kiện quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như: Lễ hội đường phố Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên… Các lễ hội đã mang đến cho mọi người cảm nhận mới lạ về vùng đất cao nguyên hùng vĩ với truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng, độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.
Qua đó có thể thấy, cùng với việc quảng bá thương hiệu cà phê của vùng cao nguyên với du khách trong nước và nước ngoài, Lễ hội Cà phê diễn ra trong năm 2017 còn mang ý nghĩa tôn vinh, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005; được ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.
Và mới đây, tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”; xuyên suốt Lễ khai mạc là những tiết mục nghệ thuật ca, múa nhạc đặc sắc trải qua gần 1000 năm hình thành và phát triển của vùng đất Tây Nguyên. Chương trình văn nghệ với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” được chia làm ba chương, với chương một là “Đất-nước-đam mê vẫy gọi”; chương hai là “Gió-Lửa-Cao nguyên vọng tiếng” và chương ba là “Tinh hoa đại ngàn” đã mang đến cho du khách trong và ngoài nước những màn trình diễn ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng 47 dân tộc anh em đang sinh sống tại Đăk Lăk.
Bên cạnh đó, Lễ hội cũng đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội… như: Hội đua voi Buôn Đôn; đua thuyền độc mộc; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Hội thi ẩm thực Tây Nguyên; Lễ hội đường phố; Chương trình trình diễn đúc cồng chiêng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh… Tất cả đã vẽ nên bức tranh về đời sống văn hóa và tinh thần của con người Tây Nguyên, truyền tải một phần nào đặc tính của cây cà phê, cũng như nét đẹp tinh thần, cốt cách của người dân nơi đây…
Có thể thấy rằng, qua các kỳ lễ hội cà phê, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt kết nối quá khứ và hiện tại. Trong dòng chảy văn hóa đó, hạt cà phê được sinh ra, nuôi dưỡng và lan tỏa hành trình kỳ diệu đến bạn bè quốc tế…
Lễ hội cũng đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội… như: Hội đua voi Buôn Đôn; đua thuyền độc mộc; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Hội thi ẩm thực Tây Nguyên; Lễ hội đường phố; Chương trình trình diễn đúc cồng chiêng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh…
ÁNH - HÀ