Nhờ có sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, nhiều lễ hội truyền thống lớn của người Mường đã được phục dựng và tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự, như, Lễ hội Mường Khô (Bá Thước), Lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành), Lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy), Lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc), Lễ hội Chin (Như Thanh)... Điều này, không chỉ thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực miền núi, mà còn góp phần bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng.
Tiểu biểu như, ở làng Lú Khoen, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Hằng năm, tại làng Lú Khoen (Ngọc Lặc) diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nhưng tiêu biểu nhất là Lễ hội văn hóa Mường được tổ chức vào giữa tháng giêng. Lễ hội thu hút được đông đảo người dân địa phương, các nghệ nhân và du khách trong vùng tham gia chung vui và đua tài.
Lễ hội được tổ chức với nhiều nội dung hấp dẫn, sôi nổi đậm bản sắc dân tộc, như đô vật, gà chọi, cà kheo, đánh mẳng, kéo co, cờ hội. Đặc biệt, du khách được hòa mình vào âm thanh từ các màn hòa tấu cồng chiêng phường chúc, phường bùa râm ran, rạo rực thôi miên lòng người.
Ngoài ra, lễ hội còn là nơi cho các nghệ nhân dân gian các vùng mường chen vai, xếp nón đợi đến lượt trổ tài ứng vận, đối đáp xường thăm, xường nài, xường thách, xường cu nhu, cóp nhóp, xường đố, rồi xường chào, xường hẹn hò sang năm gặp lại. Đến lễ hội này, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn đánh cồng chiêng đúng nhịp phách…
Là một trong số ít nghệ nhân của huyện hát thông thạo các làn điệu xường của dân tộc Mường, bà Phạm Thị Quế, làng Quang Sơn, xã Quang Trung cho hay, hiện nay, những người có thể hát các làn điệu xường còn lại rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay; lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp liên quan nên có cơ chế khuyến khích; đào tạo, phát hiện bồi dưỡng tài năng hát dân ca ngay từ cơ sở.
Nghệ nhân Phạm Thị Quế cũng đề xuất, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị di sản văn hóa phi vật thể; cần quan tâm đầu tư hỗ trợ công tác sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ bằng sách, đĩa, chụp ảnh, ghi âm, quay phim… để làm tư liệu. Đồng thời, đưa các loại hình văn hóa Mường vào trường học để giới thiệu và truyền dạy cho lớp trẻ.
Ông Bùi Hồng Nhi, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: Thời gian qua, huyện Ngọc Lặc đã thành lập CLB văn hóa dân gian Mường với 72 hội viên, là những nghệ nhân, diễn viên tâm huyết với hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian. CLB đã phát động toàn thể hội viên tham gia tổ chức sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, ghi âm, ghi hình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường như các trò chơi, trò diễn... Qua đó, giúp những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường được lưu giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, cuối năm 2016, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường, Ngọc Lặc-Thanh Hóa đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
QUỲNH TRÂM